Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

9 bí quyết giúp gan khỏe mạnh

Thông thường khi gan mắc bệnh, nó không có những triệu chứng gì rõ ràng. Như vậy có nghĩa là, các bệnh về gan nếu không quá nghiêm trọng thì thường không có dấu hiệu gì đặc biệt.

Chúng ta cần biết rằng, bản thân gan không có thần kinh gây đau đớn, mà chỉ có ở lớp biểu bì. Khi bên trong gan mắc bệnh, nếu không tiếp xúc với lớp biểu bì thì chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn. Hơn nữa, gan là cơ quan có tính chịu đựng, chỉ cần còn 30% khả năng làm việc thì cơ thể của chúng ta khó cảm nhận được sự đau đớn, chỉ khi gan bị mắc bệnh, cơ năng của nó có biểu hiện bị suy thoái thì chúng ta mới nhận thấy được triệu chứng đó.

Gan còn là một cơ quan nội tạng cứng và giữa gan với các cơ quan khác trong cơ thể có một mối quan hệ chặt chẽ, cho nên gan thường phải chịu những ảnh hưởng liên đới của các bộ phận khác, ví dụ cơ thể bị bệnh truyền nhiễm, bệnh đái tháo đường hoặc khi mang thai thì đều có thể ảnh hưởng gián tiếp đến cơ năng của gan. Hiểu được tầm quan trọng của gan, bạn phải đặc biệt chú ý chăm sóc và bảo vệ gan thật tốt.

Dưới đây là 9 bí quyết giúp bạn giữ gan được khỏe mạnh

1. Hãy để cơ thể bạn có thời gian nghỉ ngơi

Ăn cơm xong có thời gian nghỉ ngơi là cách tốt nhất giúp gan khỏe mạnh, sau khi ăn nếu nghỉ ngơi yên tĩnh 30 phút sẽ giúp cơ thể hấp thụ được phần lớn các chất dinh dưỡng. Những người có chức năng gan không tốt nên đi ngủ trước 23 giờ và không nên thức quá 1 giờ đêm. Một số người vì công việc mà luôn phải làm việc vào ban đêm, những người này có khả năng mắc bệnh gan khá cao, ngoài ra hệ thống miễn dịch cũng sẽ bị giảm sút.

2. Bạn cần chú ý giữ cân bằng dinh dưỡng

Bạn hãy rèn luyện cho mình một thói quen ăn uống đúng giờ giấc và định lượng. Nên ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả để đại tiện được dễ dàng, giúp cho gan giảm bớt gánh nặng. Nếu bị bệnh gan bạn, cần ăn uống nhiều chất bổ dưỡng cho gan đó là lượng protein cao, lượng mỡ thấp, lượng đường đầy đủ, vitamin phong phú để cung cấp thêm protein và vitamin cho cơ thể.

3. Hãy bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá rất có hại cho cơ thể, đặc biệt là có hại cho gan. Sau khi hút thuốc, nồng độ nicotin trong máu sẽ tăng cao, do đó gan sẽ phải làm việc nhiều hơn để giải độc cho các chất nicotin này.

4. Cần phải cai rượu

Đối với các lá gan bình thường, thì uống một chút rượu không những không có hại mà còn có lợi, nhưng nếu uống quá nhiều rượu thì sẽ rất có hại. Còn những người đã bị bệnh gan thì uống rượu không khác gì hành động tự sát, một khi gan đã có bệnh thì không nên uống một chút rượu nào cả.

5. Không nên uống thuốc bừa bãi

Đối với một số thuốc mà tác dụng phụ của nó ảnh hưởng đến gan, nếu mắc bệnh gan thì cơ thể bị sốt, ngoài ra toàn thân bị phát ban, người bị phù, ngứa ngáy, bên cạnh đó người bệnh sẽ có cảm giác chán ăn, khó chịu buồn nôn, trướng bụng. Người bị bệnh gan cần đặc biệt chú ý khi uống các loại thuốc tránh thai và thuốc cảm cúm.

6. Không nên tức giận

“Nộ tắc thương can”, câu đó có nghĩa là khi tức giận sẽ rất có hại cho gan. Theo các nhà miễn dịch học, khi tức giận hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém đi và làm tổn thương đến gan. Do vậy những người bị mắc bệnh gan nhất thiết không nên nóng giận nhiều.

7. Cần kiêng khem trong ăn uống

Khi lá gan của bạn đã có bệnh, nên tránh ăn những thực phẩm không còn tươi, bao gồm các loại thực phẩm lên men, các loại thực phẩm có chất bảo quản, phẩm màu và các phụ gia, các loại thức ăn hun khói... các gia vị có chất kích thích, một số loại hoa quả như mãng cầu, vải, long nhãn... cũng không nên ăn nhiều.

8. Cần chủ động phòng chống viêm gan

Tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan là một trong những cách tích cực nhất để phòng bệnh gan. Hiện nay tại các cơ sở y tế phòng dịch của huyện, thị xã, thành phố đều được cung cấp đầy đủ các vaccine phòng bệnh viêm gan, chúng ta nên chủ động đến để được tiêm phòng đầy đủ. Một điều quan trọng khác là cần chú ý tránh các nguồn lây nhiễm ví dụ như cần tránh hoặc hết sức cẩn thận khi truyền máu, tiêm, châm cứu, xăm, dùng chung bàn chải, dùng chung dao cạo râu... cần sử dụng bơm tiêm một lần, dùng kim châm cứu riêng...

9. Cần duy trì đều đặn kiểm tra gan định kỳ

Nếu bình thường thì 6 tháng - 1 năm bạn nên đi làm các xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số gan. Còn nếu bạn không may mắc bệnh gan thì cần phải tuyệt đối tuân thủ lời dặn của bác sĩ, kiên trì uống thuốc, không nên vì bệnh tình tiến triển chậm mà sốt ruột đổi bác sĩ, đổi thầy thuốc điều trị, điều đó chỉ càng khiến việc điều trị bệnh gan của bạn khó khăn, gian nan hơn.

Theo SK&ĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến