Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Hại người vì dùng cam thảo dài ngày

Cam thảo là vị thuốc phổ biến trong đông y lẫn tây y và cả trong công nghiệp thực phẩm, với khá nhiều đồ ăn, thức uống có thành phần cam thảo. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho biết việc dùng dài ngày cam thảo và các chế phẩm chứa cam thảo có thể gây ra một số phản ứng phụ, nguy hiểm cho sức khoẻ.

Công dụng của cam thảo

Cam thảo vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích khí, giải độc, bổ tỳ dưỡng vị, nhuận phế, hoá đàm. Trong đông y, ngoài tác dụng ích khí, cam thảo thường dùng để giảm độc tính một số vị thuốc hoặc điều hoà quá trình hấp thu các vị thuốc, nhất là các vị thuốc có độc tính, lạnh quá hoặc nóng quá. Đối với viêm loét dạ dày, cam thảo có khả năng ức chế tiết axit dịch vị và histamin, giúp vết loét chóng lành. Gần đây, cam thảo còn được dùng trong một số bài thuốc điều trị viêm gan do tác dụng giảm những phản ứng viêm và giảm hoại tử tế bào gan.

Cam thảo có độ ngọt rất cao, ngọt hơn 50 lần so với mía. Do đó, thảo dược này cũng được sử dụng nhiều trong công nghệ làm bánh kẹo. Trong dân gian, nhiều người sử dụng cam thảo phối hợp với vài thảo dược khác như nụ vối, thảo quyết minh, hoa hoè… thay trà uống hàng ngày, giúp giải khát, thanh nhiệt hoặc ích khí, giải độc.

Cảnh báo một số tác dụng phụ

Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra hoạt chất glycyrrhizic axit trong cam thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ. Đáng quan tâm nhất là các triệu chứng tăng bài tiết kali, giữ nước, tăng huyết áp. Nhiều thí nghiệm cho biết dùng dài hạn (trên hai tuần) sản phẩm có chứa glycyrrhizic axit với liều khoảng 500mg mỗi ngày (tương đương khoảng 10g cam thảo) có thể gây ra những phản ứng trên. Cũng có tài liệu cho biết dùng đến 50g cam thảo/ngày trong hai tuần mới dẫn đến huyết áp cao đáng kể. Một quan điểm khác thì cho rằng phần lớn các trường hợp giữ nước, tăng huyết áp rơi vào những người ăn quá nhiều kẹo chứa cam thảo.

Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận hoạt chất glycyrrhizic axit trong cam thảo còn làm giảm lượng testosteron ở nam giới, bằng cách ức chế loại enzyme giúp tổng hợp nội tiết tố này. Gây chú ý nhất là một nghiên cứu ở Ý cho biết liều dùng 500mg glycyrrhizic axit/ngày sẽ giảm đáng kể lượng testosteron ở nam giới khoẻ mạnh. Từ đây, các nhà khoa học khuyến cáo không nên dùng cam thảo cho đàn ông bị thiểu năng sinh dục.

Tuy nhiên, một nghiên cứu lặp lại hai lần của một nhóm các nhà khoa học khác thì lại thấy độ giảm gây ra không đáng kể! Sau đó, một cuộc thử nghiệm độc lập do các nhà khoa học Iran tiến hành trên 20 đàn ông khoẻ mạnh. Những người tham gia dùng mỗi ngày 1,3g chất chiết xuất từ cam thảo phơi khô (tương đương từ 400mg đến 500mg glycyrrhizic axit hoặc khoảng 10g cam thảo) trong mười ngày liên tiếp. Kết quả, mẫu máu lấy trước khi thử nghiệm và 20 ngày sau đó đã cho thấy dùng cam thảo làm giảm khoảng 35% lượng testosteron.

Dùng thế nào cho an toàn ?

Theo khuyến cáo của Uỷ ban châu âu (bộ phận chuyên trách các vấn đề pháp lý của Cộng đồng châu âu), mỗi người không nên dùng quá 100mg glycyrrhizic axit mỗi ngày. Còn theo các nhà khoa học Nhật Bản, con số này là 200mg. Nếu tính trên cơ sở 500mg glycyrrhizic axit cho mỗi 10g cam thảo, liều lượng trên chỉ tương ứng với khoảng 2g hoặc 4g cam thảo mỗi ngày.

Trên thực tế, ngoại trừ một số ít trường hợp dùng liều cao ngắn hạn, cho một số bệnh cấp tính, liều cam thảo trung bình trong nhiều phương dược đông y thường từ 4g đến 6g. Đối với một số trà dược có cam thảo, mỗi gói cũng chỉ chứa từ 1g đến 2g. Trong một thang thuốc, cam thảo lại được cơ cấu trong mối tương quan “quân thần tá sứ” để vừa nâng cao hiệu quả điều trị chung, vừa giảm tác dụng phụ của các vị thuốc. Với cách làm này, tác dụng phụ của cam thảo sẽ giảm thiểu.

Tuy nhiên, trước những cảnh báo nêu trên, nhất là trong tình trạng các loại bệnh tim mạch và cao huyết áp đang gia tăng trong cộng đồng, thầy thuốc và người sử dụng nên lưu ý không dùng cam thảo dài hạn. Trong khi chờ đợi những nghiên cứu sâu hơn, trước mắt, nếu dùng trên 4g/ngày, chỉ nên dùng từng liệu trình ngắn từ 5 – 7 ngày, nghỉ vài ngày trước khi dùng tiếp.

Những người không nên dùng cam thảo

Không dùng cam thảo cho các trường hợp cao huyết áp, thấp trệ, người đang mang thai hoặc gan, thận suy yếu. Ngoài ra, do tác dụng tương kỵ nhau, không dùng cam thảo phối hợp với các vị thuốc cam toại, đại kích, nguyên hoa

Theo Tiền phòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến