Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Kinh nghiệm tránh ăn mực "cao su"

Hiện nay mực "cao su" vẫn bán nhiều và nhiều người mua phải. Đặc điểm: không xé được thành sợi nhỏ, khó nhai được, chỉ có mùi mực lúc mới nhai còn sau đó thì không, lấy bật lửa đốt một miếng mực thì sun lại có mùi nilon như mùi đốt miếng vải áo nilon. Blog đăng lại các bài về mực này có từ năm ngoái để mọi người tự mình phòng tránh. Lucky, 27-9-2011


* Khi đốt mực khô xé có mùi khét và cháy đen như tro vải may quần áo

Bài 1. Xuất hiện mực khô làm bằng... cao su



[Tin tức online, 3/4/2010] - Loại mực này khi đốt lên chỉ thoang thoảng có mùi đặc trưng của mực, cho vào miệng nhai thì dai như cao su. Ngoài việc móc túi khách hàng, ẩn sau những con mực "cao su" ấy còn tiềm tàng nguy hiểm đối với sức khoẻ người tiêu dùng.

Trước thông tin có mực khô được làm bằng cao su, giống y như thật, được bày bán công khai tại nhiều nơi, từ các khu danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát đến các chợ có bán đồ hải sản, chúng tôi đã cất công tìm hiểu thực hư chuyện này.

Một ngày giữa tháng hai (âm lịch), tại hội Đền Cửa ông (Cẩm Phả - Quảng Ninh), chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi ăn chút điểm tâm, gọi mấy cốc bia, vài con mực khô nhâm nhi.

Vốn là người cẩn thận, để có mực ngon uống bia, tôi đã ra mẹt mực của người bán hàng chọn từng con một. Với loại mực khô, phải con dày mình, to vừa phải, sờ tay còn chút ẩm, đượm vị mặn mòi của biển mới là loại thượng hạng. Biết vậy, nên khi chọn được con mực ưng ý tôi mới yêu cầu chị bán hàng nướng chín. Chúng tôi mải chuyện rông dài nên cũng chẳng để ý đến con mực nướng. Một lát sau đã có đĩa mực xé đều tay khá chuyên nghiệp được mang tới.

Cánh mày râu thấy có mực nướng là chén tới luôn. Mấy chị em thì nhẹ nhàng nhón mực chấm tương ớt rồi từ từ thưởng thức. Trời ạ, ai cũng kêu sao loại mực này lại dai thế, mà lại không thấy vị ngọt thường thấy. Ban đầu chỉ ngỡ mình không mua được mực ngon nên chúng tôi chặc lưỡi: Thôi ăn tạm. Nhưng chị bạn bỗng thảng thốt kêu: Hình như cao su! Tất cả ngừng ăn, tất cả những cặp mắt đổ dồn vào đĩa mực. Tôi đưa lên mũi ngửi kỹ, có mùi mực nhưng ít, kéo tay mạnh nghe thấy bựt như sợi dây đứt. Lên tiếng với người bán hàng, chị này tỉnh queo: Mực ngon phải dai chứ! Tôi kéo miếng mực ra để khẳng định đó là cao su, lúc này chị ta đành chịu.

Loại mực này được bán với giá 140.000 đồng một kg, tôi định mua về làm quà, nên khi nướng ăn tại đây thấy nghi ngờ nên đem trả lại. Thấy khách phát hiện ra mực rởm, chị ta dịu giọng: "Thôi chị trả lại cho em 100 ngàn đồng. Mực này chị cũng phải mua, chẳng may phải con nó thế, mỗi người chịu thiệt một chút". Mấy thực khách cùng ngồi ăn mực, thấy vậy đều kiểm tra lại đĩa mực mình đang dùng, rồi mang trả lại. Có người còn la ó, giữa chốn linh thiêng vậy mà vẫn còn bày đặt lừa đảo du khách. Đúng là ăn phải mực "cao su”, nhai sái cả quai hàm.

Tôi gói phần mực "cao su" ấy mang về làm bằng chứng. Thấy một số người bạn kể lại, từ mùa hè khi đi nghỉ mát tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hải Thịnh (Nam Định)... đã ăn phải loại mực "cao su" này. Nói đến mực "cao su", chính những PV còn có người bán tín, bán nghi, bởi nhìn cảm quan bằng mắt thì khó có thể phân biệt được. Anh bạn đồng nghiệp của tôi lấy tay kéo miếng mực vẫn khẳng định là mực thật. Nhưng khi anh lấy bật lửa đốt miếng mực thì nó cháy nổ lép bép, không thành tro mà chảy dài, kéo ra được như ta đốt sợi nilon, hay cao su vậy.

Đã xuất hiện ở các chợ Hà Nội

Từ thực tế phải ăn cá mực "cao su" ở Cửa ông, phóng viên đã tìm đến các chợ để tìm hiểu về loại mực khô này. Hầu hết tại các chợ trên địa bàn Hà Nội mặt hàng mực khô được bày bán nhiều và cũng khá đắt hàng. Đặc biệt tại chợ Đồng Xuân, mặt hàng mực khô được bán nhiều nhất. Theo như quảng cáo của một chủ sạp hàng: "Mực này thì miễn chê, được đóng hộp từ Thanh Hoá, Nghệ An ra đấy". Mực ngon giá từ 350- 420 đồng/kg, còn loại 2, loại 3 thì rẻ hơn 220- 300 đồng/kg. Thấy chúng tôi đi qua dãy hàng khô, chủ hàng nào cũng đon đả: "Mực khô lột da, mực khô còn da, mực dẻo, mực một nắng... đủ cả". Như để khẳng định chỉ có mực ở Đồng Xuân là chuẩn, chị chủ quán giơ túi mực lên: "con nào cũng đều tăm tắp em ạ". Chị này bẻ qua bẻ lại con mực rồi nói: "Dẻo thế này cơ mà! Đã bán thì phải bán hàng ngon, nếu không bán cho ai".

Theo quan sát của PV, tại một số chợ (không phải là chợ đầu mối) đã xuất hiện những người bán hàng rong mặt hàng mực khô có bày bán mực "cao su" (giống với loại mực mà PV đã mua ở Cửa ông, Quảng Ninh). Mực được đựng trong túi nilông màu trắng không ghi rõ nguồn gốc, thậm chí có nhiều mẹt mực được bày bán có dấu hiệu mốc và bị nặng mùi. Giá mực "cao su" về đến mẹt rong tại chợ Thành Công được chị bán hàng hét giá 200 ngàn đồng/kg. Khi phóng viên hỏi: "Mực gì mà dẻo như cao su thế chị?", chị bán hàng huơ huơ tay "hỏi gì mà nhiều thế. Không mua thì thôi!". Ngay lập tức, chị này cất luôn mấy túi mực mà tôi vừa xem xuống phía dưới...

Một vòng quanh chợ Thành Công, khi phóng viên hỏi có bán mực Trung Quốc không thì chủ một quầy hàng cho biết: "ở đây bán cho khách quen thì không giao mực đó. Còn là mực Tàu, nếu mua thì tôi lấy giúp. Loại này chủ yếu bán cho những người bán rong, quán quà đêm vỉa hè". Nghe vậy, thì chắc chắn loại mực này đã về đến các chợ đầu mối, có điều thương lái còn nghe ngóng, chưa bày bán công khai? Mấy người bạn tôi mua phải mực này đều cho biết, khi nướng mực, nó sun lên và "con mực" không hề có mùi tanh tự nhiên như thường thấy ở mực thật.

Mực giả chưa biết sẽ ảnh hưởng nguy hại gì đến sức khoẻ người tiêu dùng?

Bài 2. Mực khô 'cao su' được làm bằng gì?



(Tin tuc, 3/4/2010) - Sau khi báo chí đăng thông tin về loại mực khô 'cao su', chúng tôi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả, đồng nghiệp và các chuyên gia về vấn đề này.

Xenlulo tẩm hương vị,cán ép thành... mực?

Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật hoá (Viện Khoa học Việt Nam), ông Đinh Văn Tường là người nghiên cứu nhiều vật liệu mới ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, sau khi nhận được điện thoại của phóng viên hẹn gặp để nhờ kiểm tra chất sản xuất ra "mực cao su" cho biết: "Chính bản thân tôi cũng tò mò muốn xem cụ thể hợp chất tạo nên con mực này là gì".

Sau khi trực tiếp nhìn những lát mực đã xé, ông Tường giương mục kỉnh quan sát rất kỹ càng, ông cầm tay kéo miếng mực, bằng cảm quan của nhà chuyên môn ông cho biết: "100% loại mực này không phải được khai thác từ biển, rất có nhiều khả năng nó được tạo thành từ hợp chất của xenlulo, tẩm ướp hương vị mực kết hợp với công nghệ cán, ép để sản xuất hàng loạt. Công nghệ này chắc là có nguồn gốc từ TQ".

Trước băn khoăn của phóng viên về tính chất, nguồn gốc của xenlulo và ảnh hưởng của hợp chất này đến sức khoẻ con người, ông Tường giải thích: "Để phân tích cụ thể một dạng hợp chất hữu cơ là rất khó. Tại Viện kỹ thuật hoá, muốn làm phải huy động 7- 8 phòng ban. Nhưng nói cho thật dễ hiểu thì xenlulo có thể được tổng hợp từ tinh bột hoặc từ nhiều nguồn bã nguyên liệu khác nhau. ở mỗi quốc gia, hợp chất này được tổng hợp bằng nguyên liệu phù hợp, phổ biến. Tại Việt Nam, xenlulo có nhiều, được tổng hợp từ xơ của củ sắn dây và tinh bột. Giá của xenlulo rất rẻ chỉ khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo ông Tường dự đoán, một kg mực được sản xuất hàng loạt bằng công nghệ cán ép từ hợp chất xenlulo tẩm hương vị thì giá thành cao nhất cũng chỉ là 30.000 đồng/kg. Như vậy, so với một kg "mực cao su" phóng viên mua ở Cửa ông (Cẩm Phả- Quảng Ninh) với giá 140 ngàn đồng hay 200 ngàn đồng tại Hà Nội thì lợi nhuận của những kẻ sản xuất, buôn bán "mực cao su" là siêu lợi nhuận. Bằng công nghệ này, ta có thể hình dung, chỉ bằng những khuôn ép, sử dụng hợp chất xenlulo người ta có thể sản xuất mực hàng loạt theo năng suất của dây chuyền sản xuất, khỏi phải giăng buồm ra khơi đánh bắt.

Cần làm rõ sự độc hại

Thực tế, các cơ quan về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn thường xuyên khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, có một điều mặc nhiên ai cũng biết, đó là nguồn gốc không ghi rõ nhưng lại được các thương lái "quảng bá" rất rõ ràng. Trong chuyện những con "mực cao su", người bán thật thà thì nói là "mực TQ", còn người buôn gian thì cứ lập lờ mực khô lấy từ Thanh Hoá, Nghệ An... như thế, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt, mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Đối với "mực cao su", ông Tường cũng khẳng định, những người làm mực giả này không dại gì mà sử dụng những chất gây độc hại khiến người ta ăn xong thấy tác hại ngay như chóng mặt, buồn nôn... ở đây, họ dùng chất xenlulo, nếu sản xuất theo đúng công nghệ sạch thì vô hại. Nhưng vấn đề đặt ra là, công nghệ của tổng hợp xenlulo có đảm bảo không, chất vi lượng bổ sung và chất tạo hương vị mực là chất gì, nó gây độc hại ra sao? Điều này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Quang (Trung tâm hoá công nghệ thực phẩm), xenlulo vẫn được dùng trong công nghiệp thực phẩm, một dạng của nó khá phổ biến là kẹo cao su. ông Quang khẳng định: "ăn kẹo cao su người ta phải bỏ bã bởi bản thân xenlulo là chất dai, khó tiêu hoá, khó phân huỷ nếu làm thành mực người ăn nuốt cả vào bụng sẽ gây ra hiện tượng đầy bụng, sôi bụng". Việc cá mực được sản xuất bằng công nghệ hoá học mà không phải là thực phẩm tự nhiên là không được phép. Thực tế, nhiều nước đã yêu cầu ghi rõ nguồn gốc, nơi khai thác hải sản xuất khẩu để kiểm soát tốt nguồn thực phẩm tránh mọi nguy cơ nhiễm hoá chất độc hại.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia đều lo ngại việc tẩm ướp tạo hương vị cho mực sẽ là khâu mất vệ sinh và nhiễm hoá chất độc. Có thể, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, những người sản xuất "mực cao su" sẽ sử dụng những phế liệu từ mực, mực hỏng, thối qua xử lý hoá chất, trộn với xenlulo để tạo ra mùi vị đặc trưng của mực. Như vậy, nguy cơ về mất vệ sinh, nhiễm hóa chất độc hại có trong "mực cao su" là rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Hôm qua 2/4, phóng viên đã liên hệ với Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia. TS. Lê Thị Hồng Hảo- Phó viện trưởng cho biết, bà cũng rất quan tâm đến vấn đề báo nêu. Bà Hảo đề nghị phóng viên chuyển mẫu "mực cao su" đến để Viện phân tích, xét nghiệm. PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết luận chính thức từ Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia.

Bài 3. Phát hiện hàng tấn mực khô "cao su"



(Tin tuc, 02/11/2010) - Ngày 30.10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hải Phòng tiến hành tiêu hủy hơn một tấn mực khô xé “không phải là mực tự nhiên”. Điều này chứng tỏ những thông tin nghi vấn về "mực cao su, mực xenlulo"... là có cơ sở.

Tiếp theo thông tin từ cơ quan chức năng, ngay trong ngày 30.10, PV dạo một vòng các chợ lớn trên địa bàn TP Hải Phòng. Tại chợ Ga (Q.Ngô Quyền), bà Minh, chủ sạp hàng chuyên kinh doanh hải sản khô, cho biết từ khoảng tháng 8.2009, mực “khô xé” ồ ạt tràn về Hải Phòng. “Một số chủ hàng mời tôi với giá có 80.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/4 mực khô nguyên con tôi vẫn nhập. Thế nhưng tôi không dám lấy, vì hàng không biết chất lượng thế nào mà lại rẻ thế. Từ nhiều năm nay tôi bán cho khách quen, nhỡ họ ăn vào đau bụng thì mình mất uy tín”. Bà Minh chỉ chúng tôi ra đằng sau chợ Sắt, khu vực đó muốn mua bao nhiêu mực khô xé cũng có.

Mua bao nhiêu cũng có

Khi tìm đến khu vực sau chợ Sắt, cạnh Bến xe Tam Bạc, chúng tôi thấy loại mực này đựng trong túi ni-lon không nhãn mác, bày bán trên nhiều sạp hàng. Vừa dừng xe hỏi mua vài cân mực xé về bán kèm với bia hơi, bà chủ hàng tên C. nhanh chóng đưa ra một túi mực khô xé sẵn với lời giới thiệu: “Mực khô xịn, có xuất xứ từ miền Nam, ăn ngọt, thơm và rất tiện là ăn ngay không phải nướng. Giá 200.000 đồng nửa kg”. Chúng tôi đòi giảm giá, bà chủ chốt: “100.000 đồng nửa kg, không nói nhiều”.

Tại chợ Đổ (Q.Hồng Bàng), chợ Lương Văn Can (Q.Ngô Quyền)... chúng tôi cũng thấy loại mực này được bày bán với giá đưa ra từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Chị H., một tiểu thương chuyên kinh doanh tôm, cá, mực khô tại chợ Trần Quang Khải tiết lộ chị không dám buôn mặt hàng mực khô xé dù lời rất nhiều (mua vào chỉ 70 - 80 ngàn đồng nhưng bán lãi gấp 2-3 lần) vì sợ người tiêu dùng ăn sinh bệnh. “Mực đó là mực từ Trung Quốc mang về, không biết họ làm bằng gì mà rẻ đến thế. Hiện nay, mực khô nguyên con từ Cát Bà lấy vào đã 400.000 đồng/kg, mực Đồ Sơn cũng 300.000 đồng/kg nhưng mực xé lại chỉ có 100.000 đồng/kg là hoàn toàn vô lý. Nhiều người bảo đó là mực làm từ bã sắn dây, xenlulo, nhưng không biết có phải không?”, chị H. nói nhỏ.

“Chưa biết làm bằng chất gì”

Chúng tôi mua 1 kg mực xé tại chợ Sắt với giá 200.000 đồng đem về ăn thử thấy mực khá dai, lúc đầu có vị ngọt nhưng sau nhạt thếch và tan ra như... bột! Đốt thử thì thấy đúng như lời bà Sắn nói: mực cháy thành than và khét như đốt vải vụn!

Trả lời PV chiều qua, lãnh đạo Đội 1, Chi cục QLTT TP Hải Phòng, xác nhận loại mực khô xé có nguồn gốc từ bên kia biên giới hiện đang được tiêu thụ tại một số chợ trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, để phát hiện, bắt giữ loại hàng hóa này, lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn vì một số tiểu thương thấy lời nhiều nên không hợp tác. Mặt khác, nếu có bắt được hàng tại sạp ở chợ thì số lượng cũng không đáng là bao vì họ thường lấy chỉ vài chục cân, bán hết mới lấy tiếp.

Đội 1 QLTT chủ yếu tăng cường trinh sát để bắt hàng trên đường lưu thông. Đơn cử, lô hàng hơn 1 tấn mực khô vừa được tiêu hủy ngày 30.10 được trinh sát phát hiện vào tháng 4.2010. Qua công tác nắm cơ sở, QLTT biết một số xe ôm lần lượt vận chuyển từng bao hàng tuồn vào gầm xe khách BKS 37S-3961 đang đậu tại địa phận Hải Phòng, do Nguyễn Trung Thành (ở TP Vinh, Nghệ An) là chủ xe. Chờ đến khi các đối tượng tập kết đủ hàng, lực lượng QLTT mới kiểm tra, bắt giữ. Qua kiểm tra phát hiện có 13 bao chứa mực khô xé (80 kg/bao) tương đương 1.040 kg. Chủ xe khai chỉ biết giao dịch vận chuyển thông qua xe ôm chứ không biết chủ hàng.

Ngày 21.4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hải Phòng) lấy mẫu mực xé vừa bị thu giữ gửi đến Hà Nội giám định. Ngày 12.5, kết quả giám định cho thấy loại mực khô xé trong lô hàng trên không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng của mực khô theo bảng thành phần thực phẩm VN của Viện Dinh dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Sắn, Phó trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng, cho biết: “Chúng tôi được cơ quan chuyên môn trả lời mẫu giám định mực khô xé mà chúng tôi thu giữ không phải là mực khô tự nhiên. Chúng tôi cũng chưa biết loại mực xé đó được làm từ chất gì, bởi lẽ cơ quan giám định giải thích muốn biết điều này phải cần kinh phí lớn và có thêm nhiều thời gian”.

Theo bà Sắn, loại mực mà cơ quan bà thu giữ để tới 6 tháng nhưng không bị mốc, chứng tỏ nó phải có loại chất bảo quản hoặc được làm từ một loại chất đặc biệt nào đó. “Chính vì sợ nếu chôn xuống đất, mực xé không bị phân hủy sẽ có người đào lên đưa vào lưu thông, chúng tôi phải đưa vào lò đốt rác chuyên dụng để đốt. Chúng tôi cũng đã đốt thử để đối chứng: mực khô nguyên con thường cháy xun từ ngoài vào, nếu phủi phần than đen đi vẫn có thể ăn được. Nhưng loại mực chúng tôi thu giữ khi đốt gần như cháy thành than luôn, khói có mùi rất khét, hệt như khi đốt vải may quần áo”, bà Sắn giải thích.

Bài 4. Thực hư chuyện mực giả ở Nha Trang



[Dân trí, 4/9/2011] - Mới đây, anh L. (ở TP.HCM) đi du lịch đến TP Nha Trang (Khánh Hòa) và mua mực khô ở gần chợ Đầm từ một người bán dạo, giá 300.000 đồng/kg. Khi nướng ăn, anh thấy có vị không giống mực thường dùng.

Sau khi so sánh với một con mực thật khác, anh L. khẳng định đã mua phải “mực giả”. PV đã đem những con “mực giả” này đến hỏi một số chuyên gia, ngư dân và người kinh doanh hải sản ở Nha Trang.


"Mực giả" (trái), mực xà (giữa) và mực ống

Cầm con “mực giả” trong tay, ông Trần Văn Hùng, ngư dân chuyên câu mực ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa) khẳng định: “Đây là loại mực xà (còn gọi là mực ma), có nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mực xà sau khi phơi khô có vị hơi đắng, không ngon, ngọt và mềm như loại mực khô thông thường”.

Theo ông Hùng, cách phân biệt mực xà và mực thông thường là phần đuôi. Đuôi mực xà có màu đen sậm, dày, xòe to như đuôi cá; còn đuôi mực ống mỏng, ôm sát vào thân. Mực xà ăn được, nhưng không ngon nên ngư dân ít dùng.

Thạc sĩ Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá VN, cho biết: “Mực xà (tên khoa học Symplectoteuthis oualaniensis) là loài nhuyễn thể chân đầu thuộc ngành động vật thân mềm. Ở một số địa phương duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… có đội thuyền chuyên đi câu mực xà ở vùng biển xa bờ, phơi khô và xuất bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Mực xà ăn được, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Bà H. (nhà ở đường 2-4, TP Nha Trang) chuyên cung cấp hải sản cho biết: “Mực xà được ngư dân đánh bắt ở khu vực Trường Sa, phơi khô trên tàu. Giá mực xà khô bán sỉ dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, tùy theo loại lớn nhỏ. Trước đây, chúng tôi thu gom loại mực này chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc. Nghe nói nhiều người dùng mực xà để nấu nước phở. Thời gian gần đây, một số lái buôn ở TP Nha Trang hỏi mua mực xà, giao cho những người bán dạo tại nhà ga, bến xe, chợ… Các nhà hàng, quán nhậu không dùng mực xà vì vị hơi chát, cứng, khó nhai”.

Bà H. còn cho biết, để đánh lừa người mua, một số người dùng thuốc tẩy phần râu mực xà và lột lớp da màu đen sậm bên ngoài cho giống loại mực ống khô bán tại các sạp.

Ông Huỳnh Văn Đệ, Trưởng ban quản lý chợ Đầm (TP Nha Trang), cho hay: “Giá mực xà khô chỉ bằng 1/4 giá mực ống khô. Mực xà không nằm trong danh mục cấm kinh doanh, nhưng người kinh doanh ở chợ Đầm không bán để giữ thương hiệu và uy tín của hải sản Nha Trang. Tuy vậy, thời gian gần đây, ở phía trước chợ có nhóm người buôn bán lẻ, thường rao bán mực xà khô cho du khách với giá từ 150.000 - 400.000 đồng/kg. Vì vậy, nếu không phân biệt được mực xà và mực ống, khách nên đến các cửa hàng, sạp bán hải sản có bảng hiệu để mua”.

Theo Thiện Nhân - Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến