Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Dân văn phòng nên tập thể dục buổi trưa theo cách nào?

Đặc điểm của dân văn phòng là ít vận động và eo hẹp thời gian. Nhằm khắc phục tình trạng này, nhiều người đã tranh thủ buổi trưa đi tập thể dục.



Những trải nghiệm của phóng viên cùng những lời khuyên chuyên gia sẽ giúp bạn có những cái nhìn khoa học về tập thể dục buổi trưa.



Học múa bụng buổi trưa



Công việc liên tục khiến tôi không có thời gian tập thể dục, nên khi nghe mấy chị làm văn phòng kháo nhau tranh thủ buổi trưa đi học múa bụng giữ sức khoẻ nên tôi cũng đi theo. Một tuần học 3 buổi, bắt đầu từ 12h trưa, kết thúc lúc 1h chiều. Trong một buổi học này chúng tôi được cô giáo hướng dẫn cách tập lắc bụng, nhảy các điệu theo nhạc. Trước khi tập cô giáo khuyến cáo chúng tôi nên ăn nhẹ để có sức... múa. Tránh tập quá sức và nhịn ăn bởi đã có trường hợp ngất trong lớp vì mệt.



Trước đây, khoảng 7h tôi ăn sáng với các món thay đổi nhau. Nhưng từ ngày tập múa bụng buổi trưa, bữa sáng được chuyển lên 9h với món chính là xôi thịt. Vì ăn sáng vào thời điểm này đến khi tập tôi vẫn không quá đói, tập không bị mệt. Và có thể sau khi tập... không cần ăn vì nhập hai bữa thành một.



12h lớp học bắt đầu, các bài tập từ khởi động nhẹ đến nặng, tốc độ mạnh dần. Mọi người đều vã mồ hôi và mệt. Cuối buổi, cô giáo hướng dẫn các bài tập yoga nhẹ nhàng giúp lấy lại cân bằng cơ thể. Tập xong, nếu có điều kiện, các học viên thường uống một cốc nước hoa quả ép và đi tắm. Tùy vào nhu cầu của mỗi người sẽ ăn trưa muộn để lấy sức buổi chiều làm việc. Sau một giờ tập múa bụng, tôi thấy người mỏi vì vận động nhưng cảm thấy tinh thần khoan khoái.



Cử nhân TDTT Đặng Thu Thủy, Trung tâm Thể dục thể thao quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, dân văn phòng có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa để tập thể dục. Tuy nhiên, chỉ nên dừng ở mức độ vận động nhẹ nhàng nhằm làm thư giãn cơ bắp, chân tay đỡ mỏi mệt từ đó giúp xả stress. Một số đánh giá đã cho thấy, nếu thường xuyên tập những động tác thể dục đơn giản như xoay cổ chân tay, xoay người, lắc người nhẹ... vào buổi trưa sẽ giúp tinh thần thoải mái, cởi mở hơn.



Xây dựng thói quen khoa học



Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phú, trưởng khoa Y học TDTT, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, đối với số đông người Việt Nam, việc luyện tập vào buổi trưa là không phù hợp, bởi cơ thể chỉ sẵn sàng cho việc ngủ nghỉ. Trong khi đó, ở các nước phát triển, nhiều người tranh thủ thời gian buổi trưa để tập luyện. Việc này khi trở thành thói quen thì không có tác hại gì. Vì thế, để việc luyện tập buổi trưa có hiệu quả và không ảnh hưởng đến công việc buổi chiều, mọi người cần thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt hằng ngày.



Thứ nhất là không ăn bữa chính trong khoảng 4 tiếng trước khi tập, nghĩa là nếu bạn tập vào lúc 12h thì bữa sáng của bạn không nên sau 8h. Trước khi tập hai tiếng bạn có thể ăn nhẹ một chút để không bị quá đói, ảnh hưởng đến sức khoẻ khi tập. Thứ hai là sau khi tập bạn cũng chỉ nên ăn nhẹ, chút bánh, sữa, snack hay hoa quả. Nếu làm được như vậy, bạn đã đồng thời thay đổi được thói quen xấu là ăn quá no vào bữa trưa. Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý nhất được xác định là bữa sáng ăn chính, bữa trưa phụ và bữa tối ăn thêm.



Một chú ý nữa khi chọn thời gian luyện tập vào buổi trưa là cường độ luyện tập. Để không ảnh hưởng đến công suất lao động buổi chiều, bạn chỉ nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. 45 - 60 phút tập với cường độ vừa phải, chế độ luyện tập khoa học, phù hợp sức khoẻ bản thân sẽ giúp cơ thể bạn thoải mái hơn, sẵn sàng cho buổi làm việc chiều đầy hưng phấn.



Ngược lại, việc luyện tập không cân bằng, quá sức vào buổi trưa có thể sẽ làm bạn "kiệt sức", không còn đủ năng lượng cho giờ làm việc chiều. Đấy là chưa nói đến những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nếu lựa chọn bài tập và cường độ tập không phù hợp.



Theo Thu Na

Bee.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến