Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Chăm sóc trẻ sơ sinh (8 bài)

Bài 1. Bé mới chào đời



Sau bao tháng ngày mong chờ, giờ đây bé yêu của bạn đã chào đời. Bạn đã thực sự trở thành cha (mẹ)!

1. Tư thế “bào thai”

Bởi vì bé bị cuộn tròn trong tử cung mẹ đến tận lúc sinh ra, cho nên trông bé có vẻ hơi co quắp trong một thời gian ngắn, với tay và chân không được dang rộng thoải mái. Bé thậm chí trông có vẻ bị vòng kiềng.

Đừng lo lắng: Bé sẽ duỗi ra dần dần và đến khi được 6 tháng tuổi, bé hoàn toàn không còn co quắp nữa. Đồng thời, khi bé thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung người mẹ, bé có thể thích được quấn trong một chiếc chăn mỏng.

2. Các phản xạ nguyên thủy

Từ lúc sinh ra bé đã có một số phản xạ: Phản xạ giật mình - phản xạ làm cho bé tự động ưỡn cong lưng, dang tay, dang chân và thỉnh thoảng khóc toáng lên khi thấy to tiếng hoặc một sự di chuyển đột ngột nào đấy. Trẻ sơ sinh có thể có phản ứng lại ngay cả khi ngủ, nhưng nó sẽ mất dần sau một vài tháng.

Những phản xạ khác của trẻ sơ sinh bao gồm: phản xạ Babinski (cong ngón cái và xoè 4 ngón còn lại khi lòng bàn chân bị va đập mạnh), phản xạ bước (bé như bước hoặc nhảy khi chân chạm vào bề mặt cứng), và phản xạ đẩy lưỡi (bé đẩy lưỡi mình ra khi bị nhét cái gì vào miệng).

3. Cố định cơn đói và giấc ngủ

Thức ăn là phần quan trọng nhất trong cuộc sống của trẻ sơ sinh, giấc ngủ là thứ hai. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ ăn hai hoặc ba tiếng một lần.

Giờ ngủ được chia thành các giấc một cách cân bằng và đa dạng giữa các trẻ khác nhau. Bé sẽ ngủ tổng cộng 16 đến 17 tiếng một ngày- thường chia thành 8 giấc ngủ ngắn. Để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bạn phải chắc chắn cho bé nằm ngửa khi ngủ.

Cho đến cuối tháng đầu tiên, bé có thể phát triển về việc ăn và kiểu ngủ, nhưng không kiểm soát được nó. Ở thời kỳ này, bé cần được ăn bất cứ khi nào đói, trước khi bé khóc.

4. Mùi và vị

Bé đã phát triển về vị giác. Trên thực tế, trẻ sơ sinh có vẻ như có nhiều chồi vị giác hơn người lớn. Bé nhạy cảm với đồ ngọt và những vị chua cay khi mới sinh, nhưng sự phản ứng lại với vị mặn thì phải đợi đến khi bé được 5 tháng.

Bé dùng khứu giác ngay từ đầu và có thể đánh mùi được: chú ý đến cách bé quay đầu khi bé gửi thấy mùi khó chịu (giống như là mùi bỉm bẩn của bé).

Những nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi sẽ quay về hướng miếng gạc có tẩm sữa mẹ, chúng có thể ngửi được mùi đó và vài ngày sau chúng tỏ ra thích thú với mùi của sữa mẹ. Nhờ sử dụng khứu giác, bé có thể ngọ nguậy về phía vú của bạn.

5. Những cử động bản năng

Phản xạ gốc (rooting reflex) - một phản xạ khác mà bé có khi mới sinh ra - giúp cho bé tìm được vú mẹ và biết cách bú. Khi bạn chạm vào má, môi, hay miệng của bé với ngón tay hoặc núm vú, bé sẽ quay mặt lại và há miệng ra tìm vú, khi tay bạn di động, miệng bé sẽ di động theo.

Bạn sẽ thấy bé tự động bắt đầu những cử động bú bằng miệng. Bé đang cho thấy bé biết cách ăn đấy chứ! Bây giờ bạn thử đặt ngón tay vào vòm miệng của bé và xem bé sẽ bắt đầu bú như thế nào?

Theo mangthai.vn

Bài 2. Cách tắm cho trẻ sơ sinh


Với các bạn gái mới lần đầu làm mẹ, tắm cho trẻ sơ sinh hẳn là một công việc đầy khó khăn và vất vả. Nhưng với những bà mẹ kinh nghiệm cho rằng, một khi bạn nắm được kỹ thuật "khống chế" được đầu và cổ của bé thì việc tắm cho con lại là một hình thức thư giãn "gây nghiện".
Tại sao vậy? Bạn cứ thử xem, đứa trẻ sau khi được tắm táp "ngon lành", chúng thật thơm tho, sạch sẽ, và "sản phẩm" tuyệt hảo ấy là do chính bạn làm ra.

Bạn nên lưu ý một số điều sau đây khi tắm cho trẻ sơ sinh:

Bạn có thể tắm cho trẻ vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Nhưng trẻ thường ngủ sau khi được tắm (như là một hình thức thư giãn), vì vậy tốt hơn hết bạn hãy tắm trẻ vào khoảng thời gian trước khi bé ngủ.

Ðừng bao giờ tắm vào lúc trẻ đói bụng. Nó sẽ khóc lóc, quẫy đạp lung tung. Và cũng không nên tắm khi mới vừa cho chúng ăn no xong, bỡi vì những cử động mạnh sẽ dễ làm trẻ bị ộc thức ăn.

Ðể bé cảm thấy thoải mái, bạn nên tắm cho trẻ ở những nơi ấm áp, kín đáo, tránh gió lùa. Tắm cho trẻ sẽ dễ dàng hơn với tư thế đứng ở một chậu tắm cao vừa phải (cỡ đến ngực là vừa).

Chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi tắm cho trẻ: sữa tắm, dầu gội đầu, nước thơm (lotion) và mọi thứ cần thiết. Xem nhiệt độ của nước có đủ độ nóng chưa, nước sẽ vừa phải với nhiệt độ khoảng 36,5 độ là được. Cho vài giọt sữa tắm vào chậu rồi khuấy đều lên...

Sau đây là 8 bước cụ thể để tắm cho con bạn:

Bỏ hết quần áo trẻ, trừ tã lót. Quấn trẻ trong khăn tắm trong khi bạn lau mặt và đầu của trẻ.

Dùng bông sạch thấm vào nước cho mềm để lau mắt cho trẻ, bắt đầu lau từ phía đầu mắt đến đuôi mắt. Bạn nên sử dụng hai miếng bông khác nhau cho mỗi mắt để tránh nhiễm trùng.

Rửa phần còn lại của mắt, mũi, sau cổ và tai với một chiếc khăn thật mềm.

Muốn gội đầu cho bé, bạn hãy giữ trẻ thật vững bằng cách để người bé tì vào bạn, đầu trẻ cao hơn chậu nước tắm, tay đỡ dưới gáy và cổ trẻ. Dùng tay còn lại xoa đầu vào tóc trẻ, nhớ là phải xoa thật nhẹ nhàng, tuyệt đối không gãi và cào. Gội lại bằng nước sạch, lau cho thật khô tóc bằng khăn sạch.

Bỏ tã ra, đặt trẻ vào trong chậu nước, một tay đỡ cổ và vai trẻ, té nước nhẹ nhàng xoa khắp người trẻ. Nếu thích, bạn có thể dùng chiếc khăn mềm thay vì dùng tay. Sau khi tắm xong phần trước, bạn hãy xoay trẻ lại và tắm lưng cho trẻ. Nhớ tắm rửa thật kỹ mông và bộ phận sinh dục...

Nhấc trẻ ra khỏi chậu tắm và đặt vào một chiếc khăn to, khô. Thấm khô trẻ từ cổ trở xuống. Phải nhớ lau khô phần dưới cằm, nách, và các kẽ tay, chân.

Nên làm sạch rốn bằng cồn và tăm bông mềm. Lau sạch xung quanh rốn. Ðừng ngại trong việc vệ sinh cuống rốn cho bé. Khó có sự nhiễm trùng vì cuống rốn sẽ tự rụng từ 6 đến 10 ngày sau.

Mặc tã sạch và quần áo sạch vào cho trẻ. Bạn có thể chải tóc cho trẻ bằng lược mềm.

Thế đấy, tắm cho trẻ cũng đâu phải dễ dàng, nhưng nếu biết cách, chẳng mấy chốc bạn sẽ nghiện vì thích! Bạn hãy thử xem...

Một số vật dụng cần có trước khi tắm cho trẻ:
Chậu tắm bằng nhựa
Khăn mặt và khăn tắm, bạn nên chọn loại 100% là cotton.
Sữa tắm
Bông lau mặt
Tăm bông
Cồn
Quần áo sạch, tất, găng tay...
Một cái chén nhỏ để đựng nước nhúng ướt bông lau mắt cho bé.
Phấn thơm, nước thơm thoa sau khi tắm.

Theo Thế giới Phụ nữ

Bài 3. Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh



Cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ trẻ, thường rất lo lắng về cách chăm sóc rốn cho trẻ mới sinh. Lời khuyên quan trọng nhất là giữ cuống rốn khô và sạch cho đến khi rốn rụng.

Dây rốn

Dây rốn nối bào thai với bà mẹ qua bánh nhau từ tuần lễ thứ sáu của thai kỳ cho đến lúc sinh. Là con đường sống, dây rốn cung cấp oxy, chất bổ dưỡng cho bào thai phát triển, và mang đi các chất thải trong bào thai. Lúc sinh, bởi vì trẻ sơ sinh có khả năng thở, bú và tiêu tiểu nên dây rốn trở nên không cần thiết, vì vậy, nó được kẹp và cắt ngay sau sinh.

Điều quan trọng là chăm sóc đúng cách phần cuống rốn còn lại này cho đến khi cuống rốn lành và rụng - thường khoảng hai tuần sau sinh. Cuống rốn sẽ đổi màu từ màu vàng xanh sang màu đen khi khô teo.

Cần chăm sóc đúng cách phần cuống rốn còn lại này cho đến khi cuống rốn lành và rụng.

Tự chăm sóc rốn tại nhà

Trong ngày đầu sau sinh, thường sau khi tắm bé, nhân viên y tế bôi dung dịch sát trùng lên cuống rốn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

24 giờ sau sinh, khi mặt cắt rốn khô, có thể tháo kẹp rốn an toàn khỏi cuống rốn. Nên tháo kẹp rốn tại bệnh viện, trước khi trẻ sơ sinh được xuất viện về nhà. Kẹp rốn có thể cản trở trong khi thay tã tại nhà và có thể bị kéo giật lên, gây tổn thương chân rốn.

Các bác sĩ cho phép che phủ rốn bằng một lớp gạc vô khuẩn không gòn trong 1 - 2 ngày đầu. Có nhiều nghiên cứu cho thấy bôi dung dịch cồn 700 lên rốn mỗi ngày có thể làm chậm rụng rốn. Cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Giữ cho cuống rốn khô, để hở, cho phép cuống rốn tiếp xúc với không khí giúp cuống rốn mau khô. Quấn tã phía dưới rốn. Sau khi trẻ tiêu, tiểu cần thay tã ngay.

Khi rốn chưa rụng, tránh không đặt trẻ vào thau tắm. Dùng khăn nhỏ mềm lau người trẻ, sau khi lau người trẻ, dùng que gòn lau chân rốn trẻ.

Khi rốn rụng, có thể nhúng trẻ vào thau tắm.

Một ít máu khô dính ở chân rốn có thể bình thường.

Khi nào mang trẻ đi khám

Khi trẻ sơ sinh sốt cần mang trẻ đi khám ngay. Có một số tình huống bệnh liên quan đến rốn cần mang trẻ đi khám:

Nhiễm trùng rốn: nếu bạn thấy dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, có thể nguy hiểm, cần được điều trị tại bệnh viện.

U hạt rốn: nếu bạn thấy chân rốn rỉ dịch vàng kéo dài, không kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, trẻ không nóng sốt, có thể trẻ bị u hạt rốn. Tại bệnh viện, u hạt rốn được điều trị với nitrate bạc.

Rỉ máu rốn kéo dài: nếu bạn thấy chân rốn rỉ máu nhiều và kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh lý đông máu, cần đi khám bác sĩ.

ThS.BS. CAM NGỌC PHƯỢNG

Bài 4. Những biểu hiện không đáng lo lắng ở trẻ sơ sinh



Một số biểu hiện thở không đều, ngạt mũi nhẹ, sưng tuyến vú... ở trẻ sơ sinh thường khiến cha mẹ lo lắng. Thực chất vấn đề không nghiêm trọng đến vậy:

Thở không đều trong khi ngủ

Lồng ngực của trẻ sơ sinh thường nhỏ, do vậy, quá trình trao đổi khí thường ít hơn. Số lần hô hấp bình thường ở trẻ sơ sinh là 40-50 lần/phút. Ngoài ra, hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, nên nhịp thở của trẻ cũng không đều, đặc biệt là trong khi ngủ.

Nôn trớ

Đối với trẻ mới sinh, đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Khi mới sinh, dạ dày bé thường nằm ngang, gần với thực quản. Do vậy, sau mỗi lần bú mẹ hoặc uống sữa, chỉ cần một vài cử động mạnh là bé có thể bị nôn trớ.
Để hạn chế hiện tượng này, bạn nên bế dựng bé ngay sau khi bú hoặc uống sữa từ 5-10 phút và vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hơi ra ngoài.

Hắt hơi, ngạt mũi nhẹ

Đây không phải là biểu hiện của bệnh cảm cúm. Ở trẻ sơ sinh, lớp niêm mạc mũi chưa phát triển hoàn thiện, do vậy không khí bên ngoài hoặc 1 vài cặn sữa có thể gây phản xạ hắt hơi hoặc nghẹt mũi nhẹ ở trẻ. Đây chính là biểu hiện sinh lý tự vệ của trẻ, chứ không phải do bị nhiễm lạnh hoặc cảm cúm.

Ra mồ hôi chân, tay

Nhiệt độ trong bụng mẹ rất lý tưởng và ổn định cho sự phát triển của trẻ. Ngay khi mới sinh, sự thay đổi nhiệt độ ngoài môi trường sẽ có tác động rất lớn đến quá trình hô hấp và bài tiết của cơ thể trẻ.

Khi nhiệt độ môi trường cao, trẻ sẽ điều hòa thân nhiệt bằng cách thoát mồ hôi. Do vậy, các mẹ nên chú ý lau khô người cho trẻ, giữ nhiệt độ trong phòng ổn định.

Nhiều tóc hoặc ít tóc

Số lượng và màu tóc của trẻ sơ sinh có liên quan chặt chẽ tới chế độ dinh dưỡng của mẹ trong quá trình mang thai cũng như các yếu tố di truyền của gia đình. Do vậy, nếu khi sinh ra, trẻ ít tóc hoặc màu tóc không đen thì bạn cũng chớ nên lo lắng.
Nếu thấy tóc trẻ quá ít, kèm theo đó là các hiện tượng như đổ mồ hôi nhiều, hay hoảng sợ khi ngủ, ngủ ít, bỏ ăn… thì bạn nên cho trẻ đi khám bác sỹ để có được lời khuyên hợp lý. Vì khi đó, rất có thể trẻ đang bị thiếu canxi, thiếu sắt hoặc thiếu máu.

Sưng tuyến vú

Bất luận là trai hay gái, trẻ sau 3-5 ngày sinh thường xuất hiện nốt nhỏ như hạt đậu, sờ vào thấy mềm và bóp nhẹ có thể ra sữa. Điều này là do ảnh hưởng từ nội tiết tố estrogen của mẹ. Hiện tượng này sẽ mất sau 2-3 tuần.

Bạn không nên lo lắng và vệ sinh cho trẻ bằng cách bóp mạnh vào tuyến vú của trẻ. Điều này có thể gây sưng hoặc nhiễm trùng, ảnh hưởng tới sự phát triển tuyến vú của trẻ trong tương lai.

Chảy máu âm đạo ở bé gái

Một số bé gái sau khi sinh 1 tuần, ở âm đạo có thể chảy một ít máu hoặc chất nhầy màu trắng do thai nhi vẫn chịu ảnh hưởng nội tiết tố của người mẹ và nội mạc tử cung đã bắt đầu phát triển.

Trong giai đoạn này, cần giữ vệ sinh âm đạo cho trẻ thật sạch để tránh nhiễm trùng.

Theo Dân trí

Bài 5. Chọn tư thế ngủ tốt nhất cho trẻ sơ sinh



Nếu nghĩ: ngủ ở tư thế nào cũng không quan trọng, cốt sao bé ngủ ngon, thì bạn sai rồi đó! Tốt nhất là nên để bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, vì tư thế nằm này toàn bộ các phần cơ trên cơ thể bé đều được thả lỏng, áp lực lên nội tạng của bé như tim, dạ dày, đường ruột và bàng quang là rất ít.

1.Nằm sấp

Ở các nước phương Tây, các bác sỹ nhi khoa thường khuyên các bậc phụ huynh không nên cho con mình ngủ ở tư thế nằm sấp. Bởi vì trẻ nằm sấp ngủ có nguy cơ đột tử cao hơn ở tư thế bình thường. Tuy nhiên tư thế ngủ không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên đột tử, nhưng ở một mức độ nào đó nó cũng có liên quan. Là do ở giai đoạn này trẻ vẫn chưa có khả năng tự mình nhấc nổi đầu hay tự trở mình cho nên nằm ngủ ở tư thế này rất dễ khiến trẻ bị ngạt thở.
Ngoài ra, tư thế nằm sấp khi ngủ còn khiến cho phần nội tạng của bé bị chèn ép, rất bất lợi cho sự phát triển của bé.

2. Nằm nghiêng

Nếu như các bậc cha mẹ muốn cho hình dáng đầu của con mình tròn thì bạn có thể thử cho con nằm ngủ ở tư thế nghiêng. Bình thường thì bé rất khó có thể tự mình nằm nghiêng, bạn có thể để chèn thêm chăn để đỡ ở phía sau lưng giúp bé duy trì được tư thế ngủ này. Khi bé ngủ ở tư thế nghiêng bạn nên đặt tay của bé về phía trước mặt. Có như vậy khi bé bị lật sẽ vẫn ở tư thế nằm nghiêng mà không thể trở thành tư thế nằm sấp được.

3. Nằm ngửa

Tốt nhất là nên để bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, vì tư thế nằm này toàn bộ các phần cơ trên cơ thể bé đều được thả lỏng, áp lực lên nội tạng của bé như tim, dạ dày, đường ruột và bàng quang là rất ít.

Những em bé có thói quen nằm ngủ ở tư thế ngửa này phần lớn thường bị bẹp đầu. Có rất nhiều các bậc cha mẹ lo sợ con mình bị bẹp đầu nên đã thay đổi thói quen về tư thế ngủ của con. Các bác sỹ khuyên rằng: Nếu bạn nuốn cải thiện hình dáng đầu cho bé, bạn có thể bắt đầu dần dần từ tư thế nằm nghiêng cho con.

Sau khi đầy tháng, bé lúc này đã có thể đủ sức để quay phần đầu. Thường thì sau khi bé ngủ được 1 tiếng bạn sẽ thấy đầu bé chuyển ra khỏi gối rồi, cho nên các mẹ cần chú ý hơn cho giấc ngủ của bé để tránh hiện tượng đầu bé trượt ra khỏi gối mà phát sinh sự cố ngoài ý muốn. (XL)

Bài 6. Kinh nghiệm tắm cho trẻ sơ sinh



Việc tắm cho trẻ sơ sinh tưởng như đơn giản nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách, phải kiêng cữ ra sao, có nên dùng xà phòng tắm hay không, tắm sau sinh như thế nào… tất cả đều cần phải học mới có thể biết rõ.

- Trước khi tắm cho bé, người tắm cần bỏ các vật cứng trên người có thể cọ vào làn da bé. Rửa tay thật sạch bằng xà phòng. Lưu ý không nên tắm bé khi bé quá no hoặc quá đói.

- Nước tắm của bé nên có nhiệt độ khoảng 36 độ C, vừa đủ ấm. Nhiệt độ trong phòng khoảng 27 - 28 độ. Nước tắm cần đẩy để có thể nhúng cả người bé ngập trong nước.

- Khi rửa mặt và gội đầu cho bé, vẫn nên mặc cả áo và khăn quấn. Dùng khăn xô lấy nước lau nhẹ nhàng mắt, mặt, tai của bé.

- Gội đầu cho bé nên dùng đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng, xoa kĩ cả phần thóp của bé vì đây là nơi hay đọng chất bẩn. Không nên dùng móng tay gãi đầu bé vì sẽ làm bé đau hoặc xước da.

- Sau khi rửa mặt và gội đầu sạch sẽ mới bỏ áo, tã và nhẹ nhàng nhúng cả người bé vào nước. Việc thay đổi môi trường ban đầu sẽ làm bé hơi sợ và khóc, nhưng sau đó sẽ nín ngay. Lấy một cánh tay đỡ cổ và đầu trẻ. Không đổ trực tiếp dầu tắm lên da bé mà nên qua một lớp khăn xô ấm. Nhẹ nhàng lau sạch cơ thể bé, đặc biệt lưu ý các kẽ như nách, cổ, bộ phận sinh dục.

- Lật nhẹ người bé sấp xuống, vệ sinh phần lưng. Tháo bỏ băng rốn và rửa sạch những phần còn lại.

- Nhanh chóng lau khô người bé, quấn bé trong chăn thật ấm. Lau khô đầu, mặc áo xong, sau đó vệ sinh rốn bằng cồn và băng rốn. Đóng bỉm, quấn tã cho bé. Bé sẽ cảm thấy rất dễ chịu sau khi tắm sạch sẽ. Mùa đông nên quấn bé trong chăn ấm áp.

- Lấy một ít nước muối sinh lý cho vào gạc sạch lau lợi, lưỡi và vòm miệng. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, mắt bé để bé luôn thoáng sạch.

Tác giả : T.S
Nguồn: http://vtv.vn/Article/Get/Kinh-nghiem-tam-cho-tre-so-sinh------9055fcbf63.html

Bài 7. Sữa non



Sữa non (hay còn gọi là sữa đầu tiên của sự sống) là một dạng của sữa được sản xuất bởi các tuyến vú trong thai kỳ và trong vài ngày sau khi sinh. Sữa non của con người và sữa non từ bò rất đặc, dính và có màu vàng.

Ở con người, sữa non có nồng độ cao các chất dinh dưỡng và kháng thể, nhưng nó lại có số lượng nhỏ. Trong sữa non có nhiều chất carbohydrate, chất đạm, chất kháng thể, và ít chất béo (như trẻ sơ sinh của con người có thể tìm thấy chất béo khó tiêu hóa).

Trẻ sơ sinh hệ thống tiêu hóa còn nhỏ, và sữa non cung cấp chất dinh dưỡng của nó trong một hình thức khối lượng thấp rất tập trung.

Sữa non có tác dụng nhuận tràng, kích thích việc bài tiết phân cho trẻ - phân su.

Điều này giúp tiêu hao đi lượng bilirubin thừa, một sản phẩm chất thải của các tế bào máu được sản xuất với số lượng lớn (sinh ra do giảm thể tích máu) từ cơ thể của trẻ sơ sinh và giúp ngăn ngừa bệnh vàng da. Sữa non có số lượng lớn các kháng thể được gọi là "tiết globulin miễn dịch" (IgA) giúp bảo vệ màng nhầy trong họng, phổi và ruột của trẻ.

Bạch cầu cũng có mặt với số lượng lớn, chúng bắt đầu bảo vệ trẻ khỏi virus và vi khuẩn có hại.

Bé ăn sữa non sẽ thiết lập các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Trẻ sinh non được bú sữa mẹ sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn là sử dụng các loại sữa công thức.

Trong sữa non có chứa các thành phần đặc biệt, gọi là bộ điều biến tốc độ tăng trưởng, giúp hệ tiêu hóa của bé sớm thích nghi được với các thức ăn bổ sung sau này.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh thiếu tháng có xu hướng bị nôn trớ nhiều hơn, lười ăn hơn những trẻ được ăn sữa non và sữa mẹ.

Dịch (Theo sciencedaily.com)

Bài 8. Thận trọng khi cho trẻ sơ sinh uống mật ong



Không nên cho trẻ em dưới một tuổi uống mật ong chưa được chế biến vì trong một số trường hợp, điều đó có thể dẫn tới tử vong.

Chuyên gia Viện nghiên cứu dinh dưỡng Antje Gahl khẳng định khi cho trẻ sơ sinh ăn mật ong, vi khuẩn có trong đó sẽ khu trú trong ruột và tạo ra chất độc nguy hiểm có tên Botulinumtoxin.

Không hiếm các trường hợp trẻ sơ sinh bị nghẽn đường hô hấp sau khi ăn mật ong vì độc tố Botulinumtoxin có thể cản trở quá trình truyền các xung tín hiệu tới những tế bào thần kinh, dẫn đến làm tê liệt các cơ.

Tuy nhiên, trẻ trên một tuổi ít gặp nguy hiểm hơn do ruột đã phát triển và có thể chống lại các vi khuẩn.

Ông Antje Gahl khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho trẻ sơ sinh ăn mật ong và cũng không nên dùng mật ong như một phần trong thức ăn chế biến.

Nếu muốn cho trẻ sơ sinh uống nước có mật ong thì cần đun nóng để diệt vi khuẩn.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến