Hình ảnh cho thấy chiếc máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc trong lần bay thử nghiệm tại Thành Đô ngày 7-1-2011 (ảnh trên) và chiếc F-22 Raptor của Mỹ bay trên bầu trời bang Florida tháng 2-2006 - Ảnh: Reuters |
Chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhiều năm nay không phải là bí mật. Bắc Kinh từ lâu đã không hài lòng với việc máy bay F-22 của Mỹ hiện diện gần biên giới bờ biển của mình với tầm hoạt động bao phủ không chỉ Nhật, Hàn Quốc mà còn sẵn sàng yểm trợ Đài Loan. Dù vậy, ít ai ngờ Trung Quốc lại chọn đúng thời điểm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào đầu tuần này để tung ra quân bài này.
Trung Quốc xác nhận đã thử nghiệm chuyến bay đầu tiên của loại máy bay tránh rađa J-20 hôm thứ ba (11-1), nhưng khẳng định đây không phải là mối đe dọa và không có ý định thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
“Cạnh tranh từ phía quân đội nhân dân Trung Hoa trên không và trên biển không thách thức an ninh quốc gia của Mỹ, nhất là khi sự cạnh tranh này diễn ra trên bậc thềm nhà”, tờ Global Times của Trung Quốc nhấn mạnh.
Phát biểu trước chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói nếu khả năng “tàng hình” của máy bay J-20 là có thật, thì Trung Quốc có thể trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Theo RIA Novosti, Nga cũng đang trong quá trình thử nghiệm loại máy bay T-50 nhưng sẽ không sớm hơn năm 2018 trước khi có thể đưa ra bán trên thị trường.
Thật ra, những thông tin đầu tiên về việc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đã xuất hiện từ năm 1995 như Hãng thông tấn Hong Kong Kanwa cho biết. Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI) cũng đã báo cáo Tập đoàn Chengdu Aircraft Corporation (CAC) sẽ bắt đầu nghiên cứu loại máy bay J-20 vào năm 1997. Các dự đoán lúc đó đều cho rằng J-20, được so sánh với F-22 Raptor của không lực Hoa Kỳ, sẽ gia nhập lực lượng không quân Trung Quốc vào năm 2015.
Tờ Taipei Times của lãnh thổ Đài Loan ngày 6-1-2011 viết: “Những thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc đã tiến nhanh hơn trong việc chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 so với dự đoán. Đối với Đài Loan, điều này có nghĩa là thậm chí khi sở hữu phiên bản máy bay F-16 mới nhất của Mỹ thì cũng chỉ giúp tạo thế cân bằng trong thời gian ngắn với quân đội Trung Quốc” - Rick Fisher, cố vấn khoa học của Trung tâm Quốc tế về đánh giá và chiến lược Washington, nhận xét. Đài Loan dự định mua 66 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, nhưng việc ký kết bản hợp đồng này chắc sẽ khó thực hiện được khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sắp có chuyến công du đến Washington.
Chuyến thăm của ông Robert Gates phản ánh chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với Trung Quốc. Nhà Trắng bày tỏ ý định nối lại đối thoại quân sự với Trung Quốc. Ở đây hiểu rằng với sự hiện diện quân sự quá lớn của Mỹ trong khu vực và sự lớn mạnh quá nhanh của quân đội Trung Quốc, một tính toán sai lầm có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm.
Các nhà quan sát phương Tây cho rằng “một tính toán sai lầm” có thể từ một đồng minh của Mỹ như Đài Loan. Bình luận viên chính trị của RIA Novosti (Nga), ông Dmitry Kosyrev, nhận xét vấn đề không phải nằm ở Đài Loan mà nằm ở cán cân quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới; vì Đài Loan không còn là mối đe dọa của Trung Quốc và trong chừng mực nào đó chính quyền hiện tại của Đài Loan đã có một số quan hệ nhất định với đại lục về kinh tế, dù tiến triển có chậm chạp. “Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào tình huống mà Liên Xô và Mỹ gặp phải vào những năm 1970: một mặt đang có một cuộc chạy đua vũ trang rõ ràng chống lại nhau; mặt khác, nếu không có luật chơi rõ ràng, việc này sẽ trở nên quá nguy hiểm”, ông Kosyrev nhận định.
Trước mắt, còn quá sớm để kết luận điều gì, các thông tin về chương trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc đang đặt ra nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp. Nhưng có một quan điểm chung được chia sẻ là nếu như sự thật nằm trên mặt báo, thì thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong cân bằng địa chính trị toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét