Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Để giảm nhập siêu hàng xa xỉ

Những đồng ngoại tệ quý giá thu được từ xuất khẩu gạo, thủy sản… đang phải dùng để trả cho những chiếc siêu xe trị giá hàng triệu USD, những chiếc điện thoại, túi xách… trị giá hàng chục ngàn USD.

Mối nguy của nền kinh tế


Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), cho rằng cần phân tích tách bạch rõ ràng cơ cấu nhập khẩu số lượng lớn hàng xa xỉ với giá trị lên đến 10 tỉ USD trong năm qua. Như thế, sẽ biết được những mặt hàng nào trực tiếp đi vào sản xuất và những thứ gì chỉ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của cá nhân. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ định hướng chính sách rà soát chặt chẽ để có cơ sở cấp vốn vay nhập hàng, cũng như sử dụng các biện pháp khác như cấp giấy phép tự động… nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ không cần thiết.

Nhiều mặt hàng xa xỉ nhập khẩu là kết quả của quá trình tiến bộ kỹ thuật, cho nên nếu không được phép thừa hưởng thì rõ ràng đó là sự thiệt thòi cho người tiêu dùng Việt Nam. Theo ông Xuân, chính các mặt hàng này đang đặt cộng đồng doanh nghiệp trong nước trước câu hỏi: Tại sao hàng ngoại lại ồ ạt đổ vào Việt Nam như vậy? Đó là điểm tích cực. Tuy nhiên khi nhìn trên mặt bằng thu nhập chung còn thấp, người thu nhập cao ở Việt Nam chưa phải là số đông, thì việc nền kinh tế nhập siêu đến 10 tỉ USD hàng xa xỉ là biểu hiện của một thị trường “có vấn đề”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng, con số nhập 10 tỉ USD hàng xa xỉ là rất lớn so với các tỷ trọng thương mại khác như kim ngạch xuất khẩu dệt may hơn 11 tỉ USD, xuất khẩu gạo 3,2 tỉ USD… “Việc nhập khẩu hàng xa xỉ góp thêm vào thâm hụt thương mại, nguyên nhân chủ yếu mang tới con số nhập siêu 12,6 tỉ USD, vì chúng ta nhập chúng về nhưng không mang lại giá trị sản xuất và không xuất khẩu được gì. Chẳng hạn, dệt may nhập vào gần 10 tỉ là để xuất khẩu hơn 11 tỉ USD; gỗ nhập 1,2 tỉ để xuất đi 3,4 tỉ USD… Ngoài ra các ngành này còn đóng góp cho xã hội bằng cách giải quyết công ăn việc làm của người dân…”, bà Lan phân tích.

Theo bà Lan, quá trình nhập khẩu hàng hóa xa xỉ sẽ có xu hướng gia tăng trong những năm tiếp theo, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Khi đó, nếu chúng ta không có biện pháp kỹ thuật hữu hiệu, dòng hàng xa xỉ sẽ đẩy cán cân thương mại Việt Nam trở nên bất lợi hơn, đòi hỏi chúng ta phải xuất khẩu nhiều hơn để bù đắp thâm hụt. Thế nhưng, với bức tranh xuất khẩu Việt Nam dựa nhiều vào thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên, thì việc gia tăng xuất khẩu để bù đắp các khoản thâm hụt là không hợp lý. Đồng quan điểm, tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thừa nhận trong bối cảnh nhập siêu của Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng thì tăng tiêu dùng, đặc biệt từ các nguồn hàng nhập khẩu sẽ đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Đó chính là mối nguy đáng lo ngại của nền kinh tế.

Phải đánh thuế cao


TS Hoàng Thọ Xuân cho rằng nhiều người có thói quen mua sắm mang tính “bầy đàn”, a dua, chạy theo số đông, thấy cái gì hay, mới là mua sắm theo phong trào. Những doanh nhân giàu có, những người có thu nhập cao thì có quyền xài hàng hiệu, hàng nhập khẩu đắt tiền. Nhưng thật bất thường khi không ít người có thu nhập vừa phải cũng bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua xe gắn máy ngoại nhập, thay điện thoại di động đời mới… Theo ông Xuân, nên dùng biện pháp thuế song song với các giải pháp về tín dụng để hạn chế nhập hàng xa xỉ.

Ý kiến của ông Xuân về biện pháp thuế được nhiều chuyên gia đồng tình. Các chuyên gia cho rằng cần phân định ra những dòng thuế khác nhau cho những sản phẩm cao cấp khác nhau. Việc cấm đoán thì không phù hợp với xu thế chung, còn vận động, tuyên truyền người tiêu dùng thay đổi tâm lý sính ngoại thì khó khả thi. “Có người nói việc tăng thuế đánh vào hàng xa xỉ là không hợp lý, sẽ khiến giá cả các mặt hàng nhập vào tăng cao, người Việt phải mua giá cao bất thường so với nước ngoài. Tôi thì cho rằng, đối tượng mua hàng xa xỉ chủ yếu là những người thu nhập cao, không phải đông đảo công chúng nên đánh thuế cao vào các mặt hàng này vẫn là phương án tốt nhất”, một chuyên gia đề xuất.

Theo bà Phạm Chi Lan, về khía cạnh xã hội, trào lưu mua sắm hàng xa xỉ ở nước ta có phần từ nhóm đối tượng giàu nhanh, giàu dễ bằng những cách không bình thường, không minh bạch. Vì kiếm tiền quá dễ nên họ đã tiêu xài dễ dãi, không cần cân nhắc suy nghĩ. Đây là hiện tượng xã hội cần lưu ý khi cân nhắc các biện pháp hạn chế tình trạng nhập hàng xa xỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến