Vàng tăng 30% một năm, USD mất giá so với những đồng tiền khác, VNĐ giảm giá trị nên gửi tiết kiệm khó bảo tồn vốn. Do đó đầu tư vào bất động sản và cổ phiếu là kênh quan trọng bảo tồn vốn và gia tăng giá trị tài sản trong năm 2011.
Đây là phân tích của Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đầu tư Sài Gòn Đặng Thành Tâm tại phỏng vấn trực tuyến "Doanh nhân vượt khó thời khủng hoảng" trên VnExpress.net chiều nay. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu cũng khuyên: "Phải biết mạo hiểm khi cần thiết để nắm bắt những cơ hội tiềm năng". Cả hai CEO này nhận được hơn 1.000 câu hỏi độc giả gửi đến giao lưu. Sự hào hứng khiến hai doanh nhân ứng khẩu thành thơ "vượt khó" tặng độc giả trước khi kết thúc cuộc chuyện trò.
Ông Đặng Thành Tâm: "Điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm lớn cộng với sự nhiệt tình không ngại gian khổ". Ảnh: Thiên Chương |
- Chào chú Tâm! Cháu là một sinh viên CNTT mới ra trường được 1 năm. Trong đầu cháu lúc nào cũng nuôi ý nghĩ là làm sao để trở thành một doanh nhân giỏi và lúc nào cũng muốn kinh doanh một cái gì đó thật lớn lao. Nhưng tài sản của cháu chỉ có cái đầu và 2 bàn tay trắng thôi. Chú cho cháu một lời khuyên được không ạ. Cháu cảm ơn chú. (Nguyễn Trung, 25 tuổi, TP HCM)
- Ông Đặng Thành Tâm: Trước đây, chú cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Chú còn kém các cháu vì ở thời đại của chú lúc đó đất nước Việt Nam còn rất nghèo, mọi thứ đều thiếu thốn, kể cả chương trình học còn nhiều khiếm khuyết. Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm lớn cộng với sự nhiệt tình không ngại gian khổ, khó khăn để đi hết những chương trình mình định ra.
Chú tin rằng ở thế hệ các cháu hiện nay, nhiệt huyết còn mạnh mẽ hơn thời các chú do Việt Nam đã hội nhập và mở cửa các cháu hiểu rất rõ vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Các cháu hiểu rõ Việt Nam cần phát triển để sánh vai với các quốc gia khác.
Với kiến thức các cháu học được, với những tri thức mà hàng ngày các cháu tiếp nhận thông qua Internet, thông qua các phương tiện thông tin rộng mở hiện nay, đây chính là vốn liếng lớn nhất mà các cháu có được. Chú cho rằng, các cháu cần tổng hợp, tích luỹ, lựa chọn thật chính xác để biết mình cần làm việc gì. Khi đã quyết định rồi, thì không được bỏ dở giữa chừng, chắc chắn các cháu sẽ thành công.
- Với kinh nghiệm nhiều năm trong nhiều lĩnh vực kinh tế và cụ thể hơn là điều hành doanh nghiệp, các ông đánh giá thế nào về tiềm năng cũng như những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hoá và đầy cạnh tranh này? Yếu tố then chốt trong sự thành công của doanh nghiệp có phải là yếu tố con người - người lãnh đạo? Và để trở thành một người doanh nhân giỏi có thể chèo lái tốt được doanh nghiệp trong thời buổi bây giờ thì cần có những đức tính chủ yếu gì? (Bùi Long, 35 tuổi, TP HCM)
- Ông Lê Chí Hiếu: Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập là một khó khăn rất điển hình của một nước đang phát triển thời kỳ hậu chiến với nhiều khó khăn lớn. Do đó bề dày lịch sử của doanh nhân Việt Nam chỉ có vài chục năm. Tuy nhiên, doanh nhân Việt Nam chứng tỏ đã có một sức vươn lên mãnh liệt với một tốc độ phát triển rất nhanh mặc dù trong tay chỉ có rất ít vốn liếng và một cơ sở hạ tầng còn yếu kém cũng như nền tảng công nghiệp còn lạc hậu. Điều này chứng tỏ rất rõ ràng yếu tố con người là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của các doanh nghiệp.
Tôi nghĩ, doanh nhân giỏi trong thời đại hiện nay, ngoài những yếu tố cần có: tâm, đức, tài còn phải có một nhiệt huyết mãnh liệt để vươn lên và một tinh thần cầu thị luôn luôn học hỏi cái mới của thế giới để áp dụng cho mình. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu được một bản lĩnh vững vàng và một sức khỏe bền bỉ để có thể chèo chống được trong một môi trường còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Ông Đặng Thành Tâm: Tiềm năng thì chúng ta có nhiều, vì dân tộc ta là dân tộc trẻ, con người cần cù, chịu khó và thông minh, tài nguyên thiên nhiên nhiều... Điều khó của chúng ta là làm sao đưa được những chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước xuyên suốt đến các cấp để khơi thông nguồn lực và biến tiềm năng thành hiện thực của nền kinh tế, của GDP, của công ăn việc làm...
Chúng ta đã thông qua tất cả các điều luật để đáp ứng với sự hội nhập WTO, như vậy song song chúng ta cũng cần đào tạo và nâng cấp khả năng, trình độ để có thể phát huy được tiềm năng, cũng như nắm bắt cơ hội và có giải pháp đối với những thách thức hội nhập WTO. Cụ thể: chúng ta yếu kém về năng lực điều hành quản trị, năng lực tài chính yếu kém và chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế... Trong khi mở cửa hội nhập thì doanh ngiệp quốc tế quá khổng lồ, tràn vào thị trường chúng ta. Làm sao chúng ta không thất bại ngay trên sân nhà là một câu hỏi đầy trăn trở.
Thế thì chúng ta cần phát huy thế mạnh tự có rồi dẫn đến triệt tiêu các khó khăn thách đố cản trở. Muốn hay không, doanh nghiệp quốc tế có lớn đến đâu khi vào Việt Nam cũng cần đối tác chứ họ không thể thực hiện kế hoạch một mình được. Thời đại này là chia sẻ và win-win, nên nâng cấp bản thân mình, doanh nghiệp mình để kết bạn bốn phương và tạo ra giá trị gia tăng để cùng chia sẻ cái bánh lớn hơn... Đó là điều cần làm. Đức tính cần có để thành công là quyết tâm thật lớn và không được đi nửa đường... Tất nhiên còn nhiều đức tính khác cũng cần được củng cố.
- Chào ông Lê Chí Hiếu! Được biết ông qua các bài viết với tư cách ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Thủ Đức House, tôi rất hâm mộ ông. Xin ông chia sẻ về bí quyết thành công của ông? Xin ông cho biết, muốn trở thành thành viên của Thủ Đức House thì bằng cách nào? Tôi thấy trang web của TDH không có mục này ? (Minh Tuan, 32 tuổi, Thu Duc)
- Ông Hiếu: Cũng như câu vừa trả lời xong, về những yếu tố cần thiết cho một doanh nhân thành công thì đòi hỏi rất nhiều những kỹ năng và nền tảng học vấn, cũng như trí tuệ và bản lĩnh. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thêm một yếu tố quan trọng khác, đó là sự nhạy cảm trước một rừng thông tin trong môi trường đầu tư để mình chọn lọc ra những chiến lược kinh doanh và quyết sách quan trọng cho từng giai đoạn một cách chính xác. Mặt khác, cũng phải biết mạo hiểm khi cần thiết để nắm bắt những cơ hội tiềm năng.
Thủ Đức House là một công ty đại chúng, quản lý theo những quy trình phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì thế việc tuyển chọn nhân viên cũng tuân theo những tiêu chuẩn minh bạch và công khai, có hội đồng tuyển dụng để chọn ra những nhân viên ưu tú nhất. Nếu bạn muốn tham gia vào gia đình Thủ Đức House, bạn có thể theo dõi những đợt tuyển chọn đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có vị trí nào phù hợp với bạn, tôi sẽ mời bạn tham gia phỏng vấn.
- Các ông chủ DN khi phát triển thường tuyển CEO, nhưng ban đầu đều thất bại vì thiếu sự phân quyền và nôn nóng trong việc làm ra tiền, nên thường thấy các CEO không phù hợp. Kinh nghiệm "xương máu" của anh như thế nào để doanh nghiệp của các anh do CEO bên ngoài điều hành thành công. Có người nói hiện nay, bất động sản lạnh như cục nước đá, còn chứng khoán như người bị "sún răng", quý anh nhận định như thế nào về kinh tế 2011 (Trần Văn Phát, 44 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: Thứ nhất, khi điều hành doanh nghiệp phải có quan điểm về điều hành rõ ràng. Thứ hai, phải biết doanh nghiệp mình sẽ đi đâu về đâu, do vậy phải có chiến lược kinh doanh cụ thể rõ ràng cả về: dài hạn, trung hạn, ngắn hạn.
Với 2 cơ sở này, Hội đồng quản trị sẽ biết cần phải tuyển CEO như thế nào cho phù hợp. Mỗi một người đều có những quan điểm về kinh doanh khác nhau. Cơ bản hiện nay, người ta có thể lựa chọn quản trị theo mục tiêu hoặc quản trị theo quá trình. Ở Nhật thích quản trị theo quá trình và Hội đồng quản trị luôn can thiệp vào từng công đoạn mà CEO thực hiện. Ở Mỹ lại thích quản trị bằng mục tiêu và Hội đồng quản trị ra mục tiêu cho Tổng giám đốc thực hiện.
Cá nhân tôi luôn đưa ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng và định hướng để làm sao thực hiện được mục tiêu đó cũng như các hỗ trợ mà Hội đồng quản trị có thể làm được. CEO tự quyết định đạt kết quả bằng cách nào. Tự CEO quyết định bộ máy để thực hiện thành công kết quả đó. Do vậy, việc lựa chọn CEO là hết sức hệ trọng, nó quyết định thành công hay thất bại.
Còn vấn đề nhận định bất động sản lạnh như cục đá, chứng khoán như người bị sún răng thì không đúng. Năm 2010, chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Do đó, chứng khoán và bất động sản bị ảnh hưởng lớn. Trong ngắn và dài hạn, ở Việt Nam, thị trường bất động sản luôn luôn nóng. Vì với diện tích nhỏ, dân số lớn, tốc độ gia tăng mỗi năm 2 triệu người, dân tộc Việt Nam tiếp tục là dân tộc trẻ ít nhất trong vòng 10 năm tới.
Như vậy, nhu cầu về nhà ở thực tế còn rất lớn. Vấn đề còn lại là chính sách của Nhà nước phân bổ tài nguyên đất đai một cách hợp lý và điều tiết thế nào để cho thị trường bất động sản lành mạnh thực sự đóng góp chính đáng vào cuộc sống người dân. Đặc biệt làm sao để những người dân nghèo, công nhân có thể tiếp cận với chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của Nhà nước. Trên tinh thần đó, mới có thể thực hiện được cơ bản vấn đề mà cha ông ta vẫn nói "An cư mới lạc nghiệp".
Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển mạnh và ngày càng lành mạnh, bền vững hơn trong những năm tới.
Còn chứng khoán, do thiếu thanh khoản về dòng tiền cũng như những cây non thiếu nước thì teo tóp lại. Tuy vậy, với thông điệp của Thủ tướng vào đầu năm 2011, chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ phản ánh chính xác, trung thực sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các bạn cứ yên tâm
- Ông Hiếu: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đúng vào tâm trạng của các nhà quản trị hiện nay! Việc tuyển chọn CEO thực sự là khó khăn và có một số doanh nghiệp thất bại. Lý do thứ nhất là vì đa số các CEO từ bên ngoài, đặc biệt là từ nước ngoài dù có rất nhiều bằng cấp, kiến thức chuyên ngành và những kỹ năng đặc biệt nhưng khi bước vào thực tế của doanh nghiệp, thường vấp phải những xung đột vì văn hóa khác nhau và hệ thống ra quyết định khác nhau.
Ông Lê Chí Hiếu trăn trở: "Mấy năm nay tôi tìm CEO thay thế cho mình nhưng chưa thể tìm ra". Ảnh: Thiên Chương |
Người phương Tây thì có thể thích ứng nhanh với vấn đề này nhưng với người Á Đông như Việt Nam lại có tinh thần phụ thuộc vào tập thể nhiều hơn nên họ thường trông chờ vào sự dẫn dắt của người dẫn đầu hơn là tự vận động. Việc thay đổi các quy trình cũng đòi hỏi nhiều thời gian nên phải có sự kiên trì mới có thể thành công.
Bản thân Thuduc House dù trong mấy năm qua tôi đã cố gắng tìm kiếm CEO thay thế cho mình nhưng vẫn chưa thể tìm ra.
Nhận định về thị trường chứng khoán cũng như bất động sản trong năm 2011 tôi đã trả lời, bạn có thể đọc và tham khảo ở câu trên. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng trong năm 2011 quả bóng nằm trong tay chính phủ. Nếu việc điều hành kinh tế vi mô và chính sách tài khóa khéo léo chúng ta có quyền hy vọng tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống một mức độ vừa phải và theo đó lãi suất vay ngân hàng cũng giảm theo, tỷ giá hối đoái ổn định thì chắc chắn là cả hai thị trường sẽ phục hồi mạnh và phát triển bền vững hơn.
- Cháu rất hâm mộ chú Hiếu vì ngoài việc chú có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; 16 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhiều ngành khác; chú còn sáng tác nhạc thơ rất hay, cháu cũng có máu văn nghệ giống chú. Đó có phải bí quyết giúp chú luôn giữ được sự cân bằng trong công việc và gia đình? Chú có thể bật mí về cách học tập và làm việc của chú thời còn sinh viên, còn trẻ để tụi cháu học hỏi được không ạ? (Đỗ Cao Trí, 38 tuổi, TP HCM)
- Ông Hiếu: Chào bạn! Đối với tôi, việc sáng tác ca khúc cũng như kịch bản sân khấu không đơn thuần là để tạo sự cân bằng mà đó là một nhu cầu sáng tạo để có thể giải bày những suy nghĩ, cảm nhận của mình đối với cuộc sống. Còn để giữ được sự cân bằng trong công việc thì tôi thường chọn cách thay đổi các loại hoạt động khác nhau và các loại giải trí khác nhau như: xem phim, đọc sách, sáng tác cũng là một phần trong đó và thỉnh thoảng tụ tập hát hò với bạn bè.
Thời sinh viên, cách học tập của tôi thật ra cũng không có gì là bí mật. Đó là tham gia các hoạt động ngoại khóa, đoàn thể một cách tích cực, kể cả các hoạt động văn thể mỹ và đọc sách thật nhiều. Như vậy, tôi có thể vừa học được từ những người đi trước thông qua sách vở vừa học được từ chính cuộc sống hiện tại. Thời sinh viên tôi cũng giống như những bạn khác rất thiếu thốn khó khăn nhưng vẫn giữ được sự yêu đời và một tinh thần kiên cường để vượt qua mọi thứ. Trong một ca khúc của tôi là bài Tuổi hai mươi có đoạn như sau: "Tuổi hai mươi. Trên môi có đóa hồng tươi. Trong tim có ánh lửa soi. Trên vai muốn mang cả thế giới...". Ý tôi muốn nói người thanh niên luôn phải có một tinh thần lạc quan, một trái tim ấm áp và một khát vọng cống hiến cho xã hội.
- Mỗi khi đứng trước một điều khó khăn thì điều đầu tiên ông làm và nghĩ đến và là gì? (Pham Duc Duong, 26 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: Trong cuộc đời doanh nhân của tôi, tôi thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Có lẽ nhiều doanh nhân khác cũng thấy như vậy. Do đó, khi gặp khó khăn, chúng tôi cũng không cảm thấy bất ngờ.
Kinh nghiệm tùy từng người, nhưng lời khuyên chân thành nhất mà nhiều tướng tài đã thành công trong quá khứ và hiện tại có thể được diễn giải thông qua một câu ngạn ngữ: "Bảy lần đo một lần cắt". Nghĩa là lúc đó phải yên lặng suy nghĩ, tạo cho mình sự tĩnh tâm nhất cả về trí óc lẫn tâm hồn, bạn sẽ có suy nghĩ sáng suốt hơn, vượt qua được sự sợ hãi để không chùn bước. Suy nghĩ nhiều lần rồi hãy đưa ra quyết định, đừng quyết định vội vàng rồi lại ân hận. Khi bạn đã quyết định rồi thì cần thực hiện quyết liệt, kể cả kết quả chưa được như ý cũng đừng hối hận, bởi vừa mất thời gian, vừa nhụt chí.
- Gửi ông Hiếu, năm 2010 có hàng loạt doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Các chuyên gia đưa ra nhiều nhận định trái chiều về việc này, tốt có, tiêu cực cũng có. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? (Lê Minh Thiện, 38 tuổi, Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP HCM)
- Ông Hiếu: Chào bạn! Đánh giá về thị trường chứng khoán năm 2010 nói chung là một năm không thuận lợi cho việc niêm yết và phát hành thêm cổ phiếu mới. Vì tính thanh khoản của thị trường không cao, thị trường bị giảm sút kéo dài, đến gần cuối năm mới có một đợt phục hồi nhỏ.
Tuy nhiên, ngành bất động sản là một ngành cần rất nhiều vốn, trong khi đó tín dụng ngân hàng lại có chủ trương thắt chặt đối với ngành này, cộng thêm lãi suất vay khá cao. Cho nên, áp lực về vốn đối với bất động sản trong năm qua là khá lớn. Trước tình hình đó, những doanh nghiệp có đủ điều kiện vẫn phải tiến hành niêm yết trên thị trường để tạo thuận lợi cho cổ đông trong việc mua bán cổ phiếu của chính mình. Hoặc doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán bằng việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Đây là việc tốt cần khuyến khích để tạo thêm một kênh huy taọ vốn chính thống cho thị trường.
- Chào anh Tâm, ở Hội nghị do VCCI tổ chức tại Bắc Ninh năm 2009, em là Thư ký Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt - Nga, được anh gọi là " Người đẹp". Em chỉ muốn nói: anh là một doanh nhân không những có tài, mà còn đức độ và rất thân thiện. Em mong anh lập ra thật nhiều Quỹ từ thiện để giúp đỡ nhiều những mảnh đời bất hạnh của Việt Nam, mở ra nhiều nhà máy để tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Anh có thể lập Quỹ từ thiện mang tên anh và vợ anh (em biết chị ấy rất đẹp và phúc hậu). (Nguyễn Thị Mai, 32 tuổi, Ha Noi)
- Ông Tâm: Rất cám ơn, cho đến nay chúng tôi làm từ thiện từ công ty, tập đoàn và cả cá nhân thành viên gia đình chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận đây là việc làm từ trái tim đến trái tim và cố gắng góp phần động viên làm dịu đi phần nào sự vất vả của những người chưa được may mắn.
- Kính gửi 2 doanh nhân. Tôi xin có 2 câu hỏi như sau: 1.Tôi được biết cả 2 vị mặc dù không theo đúng chuyên ngành mình được học nhưng đến nay lại là 1 trong những doanh nhân khá thành công. Vậy suy nghĩ ở mỗi ông như thế nào giữa lúc đăng ký thi lựa chọn ngành học và lúc chọn nghề để bắt đầu sự nghiệp? 2. 1 Câu danh ngôn (hoặc là của riêng mình) trong kinh doanh mà mỗi ông tâm đắc nhất? (Đỗ Mạnh Võ, 36 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: Ngày trước, bản thân tôi sống trong nền kinh tế kế hoạch. Theo kế hoạch đó, Nhà nước sẽ đào tạo để đáp ứng được kế hoạch. Chúng tôi không có nhiều chọn lựa như ngày nay. Do vậy, các bạn thấy nhiều doanh nhân chúng tôi học ngành này nhưng lại thành đạt ở ngành khác.
Tôi cho rằng thời đại ngày nay, chúng ta đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các bạn có rất nhiều lựa chọn để học tập sau cho đúng với ngành nghề mình mong muốn, đúng với khả năng bạn phát huy nhiều nhất, đúng với định hướng phát triển của thế giới ngày nay thì các bạn mới thành công được.
Nếu các bạn học một ngành mà làm ở ngành khác thì sẽ khó thành công. Vì hiện nay, sự cạnh tranh rất khốc liệt. Những sinh viên học ngành nào họ đã được đào tạo một cách bài bản, chắc chắn về lĩnh vực đó sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với bạn học ngành này lại nhảy qua ngành khác.
Người giàu thứ 3 sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010 chăm chú "nghiên cứu" câu hỏi của độc giả gửi cho mình. Ảnh: Thiên Chương |
Do vậy, nhìn vào thực trạng hiện nay, chúng ta thấy rằng định hướng trong kế hoạch 20 năm tiếp theo của Đảng và Nhà nước là tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mạnh hơn để phát triển ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, du lịch và các dịch vụ giá trị gia tăng đồng thời công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước mà trọng tâm là công nghệ cao, công nghệ hàm lượng chất xám cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn thì bạn sẽ phải chọn cho mình những lĩnh vực phù hợp với xu thế thời đại. Khi đó, cơ hội của bạn sẽ nhiều hơn và vấn đề còn lại là khả năng của bạn để đạt đến thành công mà thôi.
Câu danh ngôn tôi tâm đắc nhất là: "Đi không được nửa đường, ngủ không được nửa đêm và không được yêu bằng nửa trái tim".
- Ông Hiếu: Chào bạn! Đúng là tôi không làm đúng chuyên ngành của mình được học, nhưng với một nền giáo dục của Việt Nam thời đó thì dù bạn học ở ngành nào thì môn chính yếu vẫn là lý luận kinh tế chính trị của Mac-Lênin. Còn những kiến thức chuyên ngành lúc tôi học những năm đầu giải phóng hầu như không vận dụng được vào thực tế.
Do vậy cái tôi học được chủ yếu là phương pháp luận để nhìn nhận sự vật. Đó là lý do sau này tôi vẫn tự phải học trong những cấp độ cao hơn để trang bị những kiến thức cần thiết cho công việc.
Câu nói mà tôi thường nhắc khi tôi hoặc nhân viên của tôi gặp sự bế tắc trong công việc, đó là "lối đi ở dưới chân mình". Điều này, động viên chúng ta hãy tìm ra lối thoát cho mình và bình tĩnh lại để nhận diện bản chất những khó khăn mà mình đang phải đối phó bằng chính bộ não của mình chứ không trông chờ vào nơi khác.
- Xin hỏi ông Lê Chí Hiếu. Ông đánh giá như thế nào về thị trường Bất Động Sản Việt Nam hiện nay và dự báo trong tương lai ?Ông có biết đến " Lý Thuyết Vị Thế - Chất Lượng : Các ứng dụng trong phát triển đô thị và thị trường bất động sản " không? Và theo ông lý thuyết này có áp dụng vào thị trường bất động sản Việt Nam được không? Ông nhận định như thế nào về việc đào tào chuyên nghành BĐS ở Việt Nam hiện nay? (Vu Le Anh, 37 tuổi, TP HCM)
- Ông Hiếu: Chào bạn! Lý thuyết vị thế chất lượng được đưa ra vào năm 2000 tại Anh quốc do tác giả Hoàng Hữu Phê công bố. Lý thuyết này có một cách tiếp cận mới để giải thích tại sao giá trị bất động sản nhiều khi cao hơn giá thành thật của nó không phải như kiểu lý thuyết Mark trước đây giải thích tức là do địa tô chênh lệch mà do sự kết hợp của 2 yếu tố vị thế và chất lượng của bất động sản.
Nói một cách tóm tắt, một bất động sản hình thành từ những yếu tố tự nhiên và đầu tư như: diện tích, vị trí, tầng cao, chất lượng xây dựng... những yếu tố này hình thành nên giá trị sử dụng của bất động sản. Nhưng bên cạnh đó bất động sản còn được hình thành bởi vị thế của nó nằm tiềm ẩn phía sau vị trí của nó. Những vị thế này là các yếu tố về văn hóa, môi trường, xã hội tại một thời điểm nhất định. Chính vì thế lý thuyết này đưa ra một cách định giá bất động sản mới thông qua một hàm hồi quy dựa vào một số biến số cơ bản, trong đó có yếu tố thuộc về chất lượng và có yếu tố thuộc về vị thế.
Lý thuyết này có nhiều tiến bộ trong cách nhận định nhưng chỉ phù hợp để đánh giá tổng thể trên một địa bàn rộng thông qua những phương pháp thống kê chọn mẫu phức tạp chứ khó lòng áp dụng được trong việc định giá nhanh một bất động sản để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của thị trường.
Việc đào tạo chuyên ngành bất động sản thời gian gần đây đã được chú trọng nhiều hơn với sự tham gia của nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo khác nhau đã góp phần hình thành một lớp cán bộ thông thạo về kỹ năng để cung cấp cho các sàn giao dịch bất động sản cũng như các công ty địa ốc.
Tuy nhiên, phương pháp và kiến thức đào tạo hiện nay vẫn còn gói gọn trong một số phương pháp thẩm định đơn giản mà chưa thực sự chuyên sâu. Mặt khác, hệ thống pháp luật về bất động sản Việt Nam cũng chưa thực sự toàn diện và bao quát đầy đủ các hoạt động bình thường trên thị trường. Thậm chí đôi khi còn gây trở ngại không đáng có, chưa kể tính minh bạch của thị trường cũng còn rất yếu kém và các quy định về quản lý sàn chỉ có tác dụng hình thức là chính, chưa thực sự kiểm soát được những hoạt động gây hại cho thị trường.
- “Với khả năng phân tích, nhận định thị trường và sự đổi mới của nó thì xin phép được hỏi : Theo các vị dự đoán, sắp tới (2011 -2020) sẽ có khoản bao nhiêu CEO đạt thành tựu như vậy nữa sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Nếu có thì theo các vị, các CEO đỉnh trong tương lai sẽ có những bước xuất phát trong lĩnh vực nào ? ”. (Nguyễn Hoàng Anh Vũ, 35 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: Sự phát triển của con người là điều cốt lõi của sự phát triển của xã hội, vì vậy tất yếu dân tộc Việt Nam sẽ có nhiều người tài năng trong kinh doanh, hơn nữa, đặc biệt là với định hướng phát triển và cổ vũ mạnh mẽ trong cương lĩnh chính trị của đại hội Đảng lần thứ 11 có ghi rõ định hướng phát triển Việt Nam đến 2020.
Tôi cho rằng hiện nay xã hội đã có cái nhìn bình đẳng hơn và cổ vũ hơn đối với doanh nhân. Có nhiều bạn trẻ hăng say và đặt mục tiêu cuộc đời mình thành doanh nhân thành đạt, chứ không như trước đây, mục tiêu làm chính trị lớn hơn, hay hồi còn bé tôi và bạn bè được hỏi lớn lên làm gì chúng tôi đều nói lớn lên chúng cháu đi bộ đội... còn giờ đã có nhiều bạn trẻ quyết định gắn bó cuộc đời với sự nghiệp kinh tế.
Với tính cần cù, chịu khó học hỏi và thông minh lại được đào tạo bài bản thì các bạn trẻ sẽ trở thành các CEO toàn cầu và đem tự hào về cho đất nước. Theo cơ cấu phát triển đất nước tăng trưởng, dịch vụ và công nghiệp thì chắc chắn là sẽ còn nhiều CEO tài năng nữa được bổ sung vào các ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, du lịch thương mại...
Đồng thời cũng sẽ có thêm nhiều CEO về công nghệ cao về các ngành hàng truyền thống, hàng thay thế, hàng nhập khẩu... Đó là những lợi thế mà chúng ta cần đẩy mạnh và cổ động thêm để thành công và đóng góp cho đất nước.
- Gửi anh Hiếu, bất động sản có rất nhiều phân khúc, theo anh phân khúc nào sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2011? Tôi muốn đầu tư địa ốc nhưng lo ngại năm 2011 sẽ trầm lắng như năm 2008-2010. (Thạch Thái Bình, 45 tuổi, Binhthai@yahoo.Com).
- Ông Hiếu: Theo tôi thì năm 2011 sẽ có một dòng vốn FII và FDI đổ vào Việt Nam, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Vì hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có giá rẻ nhất khu vực và những dòng vốn của các nước phát triển có lãi suất thấp sẽ hướng về những nước có lãi suất cao để tìm kiếm thêm lợi nhuận. Hệ quả là thị trường chứng khoán sẽ có một đợt tăng trưởng nhanh chóng trong 6 tháng đầu năm, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Vì khi chốt lời, các nhà đầu tư thường có xu hướng chuyển qua đầu tư bất động sản để giữ được giá trị tài sản trong tình hình lạm phát.
Theo dự đoán của tôi thì các phân khúc của thị trường bất dộng sản sau đây có khả năng sẽ hồi phục sớm, bao gồm căn hộ có thu nhập trung bình, căn hộ cao cấp, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại và nền nhà ở những vùng ven thành phố.
- Xin hỏi ông Đặng Thành Tâm, với lạm phát năm 2010 là 12% ông sẽ tăng lương cho nhân viên của mình khoảng bao nhiêu % trong năm 2011? (Nguyen Chi Nam, 27 tuổi, Dong Nai)
- Ông Tâm: Lạm phát bao nhiêu thì phải bù đắp (thông qua lương, thưởng...) bấy nhiêu để người lao động cân bằng, ổn định cuộc sống, chứ chưa nói đến việc cần phải đem lại cuộc sống tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, cần căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nữa, chứ không thể duy ý chí. Một CEO tốt không có nghĩa là CEO trả lương cao, mà phải hài hoà giữa cuộc sống cán bộ công nhân viên với cuộc sống của chính hoạt động công ty. Đối với cán bộ công nhân viên, cần giúp họ ổn định cuộc sống, tăng thu nhập trên mức tăng trưởng của các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Có vậy, họ mới ở với mình.
Tôi rất muốn điều chỉnh thu nhập cao hơn cho tất cả mọi người. Thế nhưng, có đơn vị hoạt động tốt, tăng trưởng cao, có nơi không đạt được kế hoạch. Vậy thu nhập giữa các đơn vị này không thể đồng đều được mà sẽ có sự khác biệt: điều chỉnh cao hơn với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và điều chỉnh hợp lý đối với những đơn vị chưa đạt kế hoạch để động viên khuyến khích và cũng để cho người lao động hiểu rằng cần phải cố gắng hơn nữa.
- Chào chú Hiếu. 1. Ngày trước tại sao chú lại chọn ngành bất động sản ở khu vực Thủ Đức, phải chăng chú đã nhìn thấy tiền năng phát triển của khu vực từ lâu? 2. Chuyên ngành con đang học trang bị không chỉ kiến thức về phần quản lý hành chính, mà còn rất nhiều mảng khác như vẽ kỹ thuật, ngoại ngữ, môi trường, quản lý nhân sự, bất động sản… Như vậy khả năng, điều kiện của con có phù hợp với tiêu chí tuyển chọn của công ty hay không? (Nguyễn Quốc Huy, 26 tuổi, Thủ Đức, TP HCM)
- Ông Hiếu: Chào con! Chú chuyển qua ngành bất động sản là do tổ chức phân công chứ thật ra chú học ngành ngân hàng và lúc mới ra trường chú làm ngành ngân hàng. Khi chú chuyển qua công ty vào năm 1994, khái niệm thị trường bất động sản còn được ít người biết tới, thậm chí trong các văn kiện của nhà nước ít được nhắc đến.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhà Thủ Đức ứng khẩu thành thơ tặng độc giả VnExpress.net. Ảnh: Thiên Chương |
Do đó, nói rằng tiềm năng của thị trường bất động sản còn rất lớn là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu nói chính xác hơn phải là thị trường bất động sản chỉ mới bắt đầu hình thành và còn rất non nớt. Mãi đến những năm gần đây thị trường này mới bắt đầu đi vào giai đoạn hình thành thật sự nhưng cũng chưa thật hoàn chỉnh bởi tính thanh khoản của nó vẫn chưa cao do còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết từ góc độ quản lý cũng như từ các đối tượng tham gia thị trường.
Theo mô tả của con thì chú vẫn chưa hiểu chuyên ngành thật sự con đang học là gì nhưng điều đó không quan trọng vì bản thân chú cũng học một đường làm một nẻo. Hãy tin vào sức mình, đó là điều chính yếu!
- Thưa anh Đặng Thành Tâm! Em đã được đọc rất nhiều bài viết về những thành công trong kinh doanh của anh và để có được những thành công đó em cũng biết rằng anh đã trải qua rất nhiều khó khăn .Vì vậy, anh có thể chia sẻ cho độc giả chúng em về những bí quyết hay động lực cụ thể nào để anh vượt qua được những khó khăn đó? Và khi còn mới khởi nghiệp anh đã định hướng cho mình con đường kinh doanh như thế nào để anh đạt được những thành công như hiện tại ạ? (Trần Hào, 27 tuổi, Nha Trang-Khánh Hòa)
- Ông Tâm: Ông cho ta thường nói cái khó ló cái khôn. Tôi sinh ra trong một gia đình rất vất vả rất khó khăn, từ nhỏ tôi đã có một quyết tâm lớn lên tôi sẽ cố gắng làm việc để không bao giờ con tôi phải khổ như tôi. Đó là động lực quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, lúc đó tôi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến người thân của mình mà thôi. Khi tôi lo toan đầy đủ cho gia đình và bản thân thì lúc đó đi thăm những miền quê nơi mình sinh ra đến những vùng đất khó khăn tôi thấy còn rất nhiều người cực khổ cũng như chúng tôi thời bé. Dù đất nước ta đã phát triển rất nhiều nhưng vẫn cón rất nhiều vùng quê xa xôi nghèo khổ. Nhớ lại những kỷ niệm thơ ấu tôi hiểu những người dân vất vả này người ta cần gì.
Chính vì vậy thay vì nghỉ ngơi du lịch đánh golf thì tôi lại tiếp tục lao vào làm việc, đó là động lực hiện nay đem lại cho tôi nhiệt huyết để tiếp tục làm việc. Những vùng đất mà chúng tôi đến chúng tôi xây dựng các khu công nghiệp và luôn mong muốn các khu công nghiệp này thành công để đem lại công ăn việc làm nhiều hơn nữa đóng góp vào kinh tế của địa phương đó.
Tuy vậy trời đất không phải bao giờ cũng chiều lòng người dù rằng chúng tôi là đơn vị xuất sắc của Việt Nam về phát triển khu công nghiệp với 7 cờ thi đua liên tiếp của Chính phủ, các khu công nghiệp xung quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì khá thành công, còn các khu công nghiệp ở miền Trung vẫn còn gian nan vất vả và chưa thành công. Chúng tôi sẽ tiếp tục quyết tâm để tìm giải pháp đem lại sự thành công cho các khu công nhgiệp này.
Trở lại câu hỏi từ nhỏ đã định hướng như thế nào mà thành công, thực lòng hồi nhỏ thế hệ chúng tôi chỉ có một mong muốn lớn lên được đi bộ đội chứ cũng chẳng có định hướng gì. Định hướng chỉ xuất hiện khi xảy ra trường hợp phát sinh sự hài hoà giữa mong muốn của cá nhân mình, chủ quan của mình và vận hội của đất nước khi đó chúng ta thấy thời cơ mà bản thân chủ quan chúng ta cảm nhận là chúng ta phải theo định hướng đó. Do đó, ở hoàn cảnh các bạn có thể chưa có định hướng gì thì vẫn yên tâm mà học tập, vui tươi, rèn luyện sức khoẻ sống sao cho lành mạnh. Đến lúc các bạn có một nhận thúc đầy đủ hơn và đã xác định hướng của đời mình thì khi đó bạn có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện định hướng đó đem lại thành công cho bạn.
- Chào ông Đặng Thành Tâm. Ông có người chị là bà Đặng Hoàng Yến cũng rất giỏi và có tên tuổi trên thương trường, vậy giữa 2 chị em ông có bao giờ bất đồng trong việc kinh doanh không, tầm ảnh hưởng của chị ông đối với cá nhân ông và trong công ty, tập đoàn như thế nào (Phạm Việt Phương, 34 tuổi, TP HCM)?
- Ông Tâm: Trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, chúng tôi có nguyên tắc là tôn trọng sự độc lập trong kinh doanh, đồng thời vẫn phải giữ đúng định hướng không kể là anh chị em hay bất kỳ cán bộ quản lý cao cấp nào. Do đó, không có chuyện người này ảnh hưởng đến người khác mà chỉ có sự hỗ trợ qua lại để đem lại một mục đích chung là đưa doanh nghiệp mình đi lên.
Trước đây, chị tôi có ảnh hưởng rất lớn đến định hướng từ việc học cho đến việc đi làm của tôi và các ảnh hưởng này là rất tích cực trong cuộc đời tôi vì chị tôi là người có cá tính mạnh mẽ, quyết liệt.
- Nhìn chung cả 2 doanh nhân đều có những khó khăn từ ngày lập nghiệp, và thể hiện bản lĩnh của CEO để đưa doanh nghiệp qua được những khó khăn , khủng hoảng. Vậy xin hỏi cả 2 doanh nhân, bản lĩnh của " doanh nhân thành đạt" có gì thay đổi so với bản lĩnh của doanh nhân thời mới lập nghiệp? (Nguyen Thi Viet Hong, 34 tuổi, NH TMCP Nam Viet)
- Ông Hiếu: Chào bạn! Câu hỏi của bạn làm cho tôi cảm thấy mình bắt đầu già rồi. Vì khi một doanh nhân thành công cũng có nghĩa là anh ta đã trải qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời để trui rèn thêm bản lĩnh, cũng như tính lì đòn của người lãnh đạo trước những thử thách trên thương trường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là anh phải giữ được trái tim trong sáng của mình để hướng tới những mục tiêu tốt đẹp hơn trong cuộc sống, chứ không chỉ suốt ngày lo lắng về lợi nhuận và doanh thu.
- Ông Tâm: Ông cha ta có nói "Có gan làm giàu", nếu các bạn xem phim Romeo và Juliet thì thấy rằng ngày xưa chỉ những người có gan mới dám yêu. Vì khi người ta thách đấu kiếm thì cái sống và cái chết luôn luôn song hành. Làm doanh nghiệp cũng vậy, không kể CEO thành đạt hay CEO mới lập nghiệp đều cần phải có bản lĩnh như nhau, chỉ có tư duy và nhận tức là khác nhau. Tư duy và nhận thức là một quá trình kết hợp giữa trình độ và kinh nghiệm. Tuy vậy, sự thành công của CEO không phụ thuộc vào sự dày dạn hay sự non trẻ mà phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.
- Chào chú Hiếu... Hiện nay đa phần các công ty địa ốc bắt đầu chú trọng vào vấn đề tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà cao ốc, khách sạn... Hiện nay đối với Thu Duc House, sẽ có bao nhiêu tòa nhà trong thời gian tới sẽ sử dụng công nghệ này? Đặc biệt là hệ thống BMS (Building Management Sytem)... (Nguyen Ngoc Huan, 26 tuổi, Tan Tien, F8 Tân Bình)
- Ông Hiếu: Vấn đề tiết kiệm năng lượng mà bạn hỏi cũng như nói rộng hơn là vấn đề áp dụng công nghệ xanh cho các cao ốc là một xu hướng tất yếu của thế giới tại các nước phát triển. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc áp dụng công nghệ này hiện nay chỉ thích hợp với những công trình có kinh phí đầu tư lớn vì nó đòi hỏi chi phí rất cao. Đối với những căn hộ cỡ trung bình thì có nhiều giải pháp trong kiến trúc để xử lý vấn đề năng lượng ngay từ khâu thiết kế mà không cần dùng tới công nghệ này. Ví dụ như: làm thế nào để các căn hộ đều thông gió tốt, tránh được những hướng nắng có thể làm tăng nhiệt độ hoặc dùng những vật liệu phù hợp nhưng không quá đắt tiền.
- Chào chú Hiếu, xin chú cho một lời khuyên để những người nghèo xuất thân từ các tỉnh lẻ hiện nay đang ở nhà thuê có thể mua đất làm nhà sống ở thành phố Hồ Chí Minh. (Nguyễn Kinh Kha, 30 tuổi, Phú Nhuận)
- Ông Hiếu: Nếu bạn có ít tiền, bạn có thể chọn một nền đất ở vùng ven hoặc ngoại thành, để xây nhà theo ý mình và phù hợp với túi tiền của mình. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận xem xét kỹ vấn đề pháp lý mà bạn sẽ mua đất, nhất là những chủ đất chỉ có giấy tay. Bạn cũng cần tham khảo ý kiến địa phương nơi bạn định mua đất để biết tình trạng quy hoạch trong tương lai.
- Chào anh Tâm, em làm việc trong lĩnh vực truyền thông, em biết anh rất thành công trong nhiều lĩnh vực mà anh tham gia, gần đây em được biết anh đang thành lập một kênh truyền hình và sắp ra mắt, có phải đây là một trong những hướng phát triển của tập đoàn hay chỉ là trào lưu như những tập đoàn lớn của thế giới luôn có công ty truyền thông đi kèm? Xin cảm ơn anh (Dương Điền, 34 tuổi, HCM)
- Ông Tâm: Hiện nay có thể nói thành công nhất trong cuộc đời tôi là xây dựng và phát triển khu công nghiệp gắn liền với nó là một chuỗi các giá trị gia tăng gồm đào tạo nhà ở cán bộ công nhân viên, trường đại học, ngân hàng để phục vụ tài chính doanh nghiệp khu công nghiệp cũng như lĩnh vực mà chúng tôi hướng đến là xây dựng nhà máy phát điện để cung cấp điện cho các nhà máy công nghệ cao.
Phát triển là động lực của tất cả mọi doanh nghiệp, trước đây đất nước chúng ta chưa mở cửa chúng ta chỉ nhìn lẫn nhau mà học tập quy mô doanh nghiệp còn nhỏ làm ngành nào chỉ biết ngành đấy. Ngày nay với xu thế hội nhập quốc tế chúng ta mới thấy rằng xã hội chúng ta còn rất nhiều thiếu thốn không phải chỉ cần cơm no áo ấm mà chúng ta còn cần cuộc sống tinh thần tốt hơn, chính vì vậy chúng tôi thấy rằng đời sống vật chất của Việt Nam đã được gia tăng đáng kể nhưng đời sống tinh thần chưa tăng trưởng kịp thời như đời sống vật chất ví dụ cứ mỗi dịp Tết về chúng ta thấy các phương tiện thông tin đại chúng đều nêu lên tiếng nói của người dân mong muốn có những bộ phim Việt hay hơn, có những chương trình truyền hình hấp dẫn hơn bổ ích hơn.
Quang cảnh phỏng vấn trực tuyến tại tòa soạn VnExpress.net. Ảnh: Thiên Chương |
Riêng cá nhân tôi, tôi nhận thấy người dân Việt Nam còn thuộc lịch sử Trung Quốc hơn cả lịch sử Việt Nam bởi vì truyền hình chiếu nhiều bộ phim dã sử Trung Quốc hay quá. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không sản xuất ra được những bộ phim lịch sử Việt Nam hay như vậy, tại sao chúng ta không có những phim chiếu Tết, những chương trình giải trí hấp dẫn.
Nhiều bạn bè của tôi trong lĩnh vực truyền thông nói rằng anh Tâm ơi, nghệ sĩ chúng tôi chỉ có nhiệt huyết chứ không có tiền mà nhiệt huyết thì không thể sinh ra được những bộ phim hay những chương trình tốt. Vậy làm kinh doanh anh đã thành đạt rồi thì bỏ một ít tiền vào lĩnh vực văn hoá này đi.
Chính vì những bức xúc này nên tôi và bạn bè đã bỏ một phần tiền để tham gia vào lĩnh vực văn hoá giải trí, riêng cá nhân tôi có một quyết tâm đầu tư nhiều tiền hơn vào lĩnh vực sản xuất các chương trình nói về lịch sử Việt Nam từ những phim giả sử đến những nét đẹp về văn hoá truyền thống Việt Nam để làm sao cho thế hệ tương lai chúng ta hiểu rõ những giá trị chân thật của nền văn hoá Việt Nam. Tôi cho rằng nếu tổ chức tốt tìm được đạo diễn giỏi chúng ta sẽ có những bộ phim dã sử hấp dẫn không kém gì những bộ phim dã sử của Trung Hoa.
- Xin hỏi anh Hiếu: hiện tại thị trường bất động sản Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, tại sao Thuduc House không đầu tư khai thác, anh nghĩ gì mà lại đem chuông đi đánh xứ người. Sau một hơn năm đầu tư vào thị trường bất động sản Mỹ, bản thân anh và Thuduc House đã gặt hái được kết quả gì từ sự mạo hiểm đó? (Totti Truong, 30 tuổi, Thủ Đức)
- Ông Hiếu: Tôi quyết định đầu tư sang Mỹ khi nhận thấy tình hình thị trường bất động sản Mỹ đã xuống tới đáy sau cuộc khủng hoảng tài chính do cho vay dưới chuẩn. Đây là cơ hội có thể mua được nhà giá rẻ. Hiện nay công ty đã mua được một số biệt thự tại bang California và đang cho thuê, đợi đến khi thị trường phục hồi chúng tôi sẽ bán lại và có thể đạt được lợi nhuận rất lớn. Việc đầu tư sang Mỹ với một số vốn không nhiều là một sự mạo hiểm nhưng lại rất an toàn vì chúng tôi sử dụng những nhân viên bản xứ am hiểu luật pháp của Mỹ để điều hành nên chi phí thấp và qua đó chúng tôi còn có điều kiện học hỏi những giải pháp, cung cách làm ăn cũng như quy định của Mỹ.
Chúng tôi cũng muốn thông qua việc này để khẳng định rằng không có việc gì mà người Việt Nam không thể làm được, chỉ cần chúng ta tập trung vào mục tiêu và tìm giải pháp thực hiện nó. Tại sao người nước ngoài đến Việt Nam để kinh doanh và thu lợi nhuận mà người Việt Nam lại không thể đến nước họ để lấy tiền của họ?
- Để có được thành công như ngày hôm nay xin hai ông hãy tóm tắt ngắn gọn những việc cần làm để gửi tới lớp trẻ. Nếu đặt ra một kế hoạch trong vòng 5 năm tới thì hai ông cần chuẩn bị những gì? (Ngô Việt Cường, 38 tuổi, Cuong_viet_ngo@yahoo.Com).
- Ông Hiếu: Xin chào lớp trẻ! Những việc bạn cần làm để có cuộc sống thành công và hạnh phúc bao gồm: rèn giũa tư duy, tích lũy kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, cũng cố niềm tin, đề ra kế hoạch và hành động.
Để chuẩn bị cho một kế hoạch bất kỳ, trước hết bạn cần phải xác định đúng mục tiêu mà mình muốn, kế đến chuẩn bị các phương tiện và nguồn lực để thực hiện nó. Đồng thời, đề ra các giải pháp để đảm bảo an toàn và có đường rút lui khi gặp rủi ro. Và điều cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng đó là bạn phải kiên trì và quyết tâm thực hiện. Đừng vội nản lòng khi vấp phải cục đá đầu tiên trên đường đi. Vì có thể bạn còn phải đối phó với rất nhiều thử thách khác nữa.
- Kính gửi ông Lê Chí Hiếu và ông Đặng Thành Tâm, trong năm 2010 tôi thấy nhiều vụ thôn tính doanh nghiệp diễn ra. Đây có phải là chiến lược của các ông? (Song Minh, 38 tuổi, Trương Định, quận 3, TP HCM)
- Ông Tâm: Khuynh hướng của thế giới ngày nay là M&A. Khi khủng hoảng xảy ra, nhiều doanh nghiệp có tuổi thọ hàng trăm năm, có kinh nghiệm, công nghệ nhưng vẫn bị phá sản huống chi ở Việt Nam, doanh nghiệp còn rất non trẻ. 3 năm khó khăn vừa qua đã chứng minh rằng không phải ai cũng làm doanh nghiệp được. Vì vậy, nhiều công ty đứng trên bờ vực phá sản, không còn cách nào khác là sáp nhập vào doanh nghiệp khác hoặc bán cả doanh nghiệp.
Đây cũng là xu thế tốt vì người có khả năng sẽ tiếp cận được với nguồn nguyên liệu và tài nguyên để biến những cơ sở đó thành những giá trị hiện thực cuộc sống. Công nhân không bị mất việc làm, mảnh đất bỏ hoang nhiều năm của doanh nghiệp cũ đã trở thành những toà nhà, những khu dân cư trù phú. Như vậy, giá trị xã hội sẽ được tốt hơn. Đây là điều tất yếu không lệ thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp nào cả.
Quan điểm của chúng tôi, mua bán sáp nhập doanh nghiệp nội địa cũng không đem lại gia tăng về tài sản quốc gia là bao. Mình không mua thì doanh nghiệp khác cũng mua. Vấn đề của chúng tôi là làm sao có thể mua bán sáp nhập được những doanh nghiệp quốc tế. Vì những doanh nghiệp này mang trong mình những công nghệ hiện tại, ví dụ: Lenovo đã mua IBM, Chính phủ Trung Quốc đã mua hãng sản xuất ô tô Volvo. Như vậy, họ tiết kiệm rất nhiều thời gian để có được công nghệ tốt nhất sản xuất máy tính, sản xuất xe hơi. Đây đều là những lĩnh vực trọng điểm trong quá trình công nghiệp hoá. Nếu chúng ta thực hiện được mua bán doanh nghiệp quốc tế, sẽ đem lại giá trị gia tăng cho quốc gia rất nhiều, chứ không phải chỉ mỗi doanh nghiệp được lợi.
Chúng tôi có quyết tâm lớn đóng góp vào quá trình sản xuất sản phẩm công nghệ cao với nguồn gốc của Việt Nam. Trung Quốc mất nhiều năm để sản xuất ra chiếc máy tính Trung Quốc đầu tiên thì Việt Nam sẽ phải tiết kiệm thời gian ngắn hơn để sản xuất ra những sản phẩm này.
Cứ nhìn thấy những con tàu lũ lượt chở gạo, hàng dệt may đi xuất khẩu không bằng một container điện thoại di động nhập về thì mới thấy nếu chúng ta không quyết tâm đổi mới cơ cấu thì chúng ta còn tiếp tục nhập siêu dài dài.
Chính vì vậy, xu thế M& A hiện nay là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể đi tắt đón đầu. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cũng nên có những chính sách hỗ trợ thích hợp để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chiến lược này.
Kinh nghiệm cụ thể của chúng tôi khi mua được một doanh nghiệp sản xuất đồng hồ Thuỵ Sĩ, tức đã nắm trong tay công nghệ cơ khí chính xác cao. Nếu tự chúng ta phát triển vài chục năm nữa chưa chắc làm được. Công ty này đã có hàng trăm năm phát triển và cơ khí chính xác của họ đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, đủ để thế giới ngưỡng mộ đó là đồng hồ Thụy Sĩ. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ cơ khí chính xác này để mở nhà máy sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác phục vụ cho các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Canon, Foxcon đem lại giá trị gia tăng trong nước cao hơn giảm tỷ lệ nhập khẩu, góp phần chống nhập siêu.
- Ông Hiếu: Riêng đối với Thuduc House, chiến lược của chúng tôi không phải là thôn tính bất cứ đơn vị nào mà tìm đối tác có mặt bằng và tiềm năng phát triển để cùng hợp tác liên kết, liên doanh. Như vậy các bên đều có lợi. Điều quan trọng nhất là đối tác mà chúng tôi chọn lựa phải có giá trị thương hiệu ổn định, có nền tảng văn hóa công ty phù hợp và hệ thống quản trị tốt, minh bạch. Tôi không phản đối các vụ thôn tính doanh nghiệp nếu nó đem lại lợi ích cho các các bên, đặc biệt là cho công nhân viên cũng như tạo ra hướng phát triển mới cho doanh nghiệp bị thôn tính. Tuy nhiên, một số vụ thôn tính cho thấy người ta quá thiên về vấn đề lợi ích và dùng những cách thức không hay lắm để bằng mọi giá chiếm đoạt được đối phương mà bất kể hậu quả. Đó là điều không tốt và phi đạo đức.
- Tôi được biết ông Hiếu là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm rất hay, vậy xin hỏi ông: Là một doanh nhân thành đạt như ông, thì quỹ thời gian đối với ông rất hạn hẹp, vậy ông sáng tác âm nhạc vào lúc nào mà không ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của ông. Xin cảm ơn ông! (Lại Hồng Xứng, 60 tuổi, Dĩ An - Bình Dương. 0913757030)
- Ông Hiếu: Chào anh! Đúng như anh nói, một doanh nhân thì cũng có 24 giờ như mọi người nhưng họ phải làm và quyết định rất nhiều công việc phức tạp khác nhau. Chính vì thế, tôi chỉ có thể sáng tác khi thật sự rảnh rỗi và không bị ảnh hưởng bởi sức ép của công việc. Sáng tác là một công việc còn nặng nhọc hơn điều hành kinh doanh rất nhiều. Nhiều khi tôi phải lẩm nhẩm suy nghĩ về lời của một bài hát suốt cả tháng trời, đến khi nó chín muồi thì nó sẽ tự động "chạy" ra, giống như tới thời kỳ sinh nở thì có cản cũng không được, lúc đó tôi viết ra rất nhanh. Cũng vì khó khăn như vậy cho nên tôi thích "sáng tác" ra nhiều sản phẩm địa ốc hơn.
- Kính gửi ông Đặng Thành Tâm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể ra được sân chơi quốc tế mà ngược lại những doanh nghiệp của các nước trong khu vực lại đang thành công tại sân chơi nội địa. Vậy các ông có thể cho biết việc đầu tư ra nước ngoài có phải là vấn đề bức bách cho sự ổn định lâu dài của một thương hiệu Việt Nam. Và muốn ra được quốc tế doanh nghiệp Việt Nam cần những phẩm chất đặc trưng gì. (Vo Thuy, 37 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: Trong quá trình hội nhập toàn cầu, việc Việt Nam mở cửa cho quốc tế và quốc tế mở cửa cho Việt Nam đã tạo cơ hội rất lớn cho sự phát triển của đất nước ta trong đó có cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam phải hội nhập thành công không những bảo vệ được thị trường nội địa bằng những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao hơn, rẻ hơn mà còn phải vươn ra thế giới.
Nhiều người cho rằng tại sao chúng ta đang thiếu ngoại tệ mà vẫn cho phép đầu tư mang ngoại tệ ra nước ngoài, thực tế cho thấy cũng như việc đi học của con cháu, chúng ta mất ngoại tệ để con em ta học nhưng đem về được những kiến thức quý báu để xây dựng đất nước, thế thì các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thứ nhất là tăng cường thêm hình ảnh của Việt Nam. Thứ hai là học tập và tạo liên kết quốc tế mạnh hơn, sau đó sẽ đem lại những lợi ích cụ thể cho đất nước, bản chất đây không phải là việc bức bách hay không mà đây là xu thế chung của thời đại, doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên thành những doanh nghiệp quốc tế lớn hơn thì buộc phải va chạm quốc tế, buộc phải liên kết với các doanh nghiệp quốc tế, buộc phải mở rộng hơn nữa mạng lưới kinh doanh quốc tế của mình.
Một ví dụ dễ thấy nhất mà Samsung, Hyundai của Hàn Quốc đã phát triển rất mạnh trong một thập kỷ vừa qua khi mà những doanh nghiệp khổng lồ như GM của Mỹ đã bị suy yếu. Vậy thì vấn đề thời gian không phải là yếu tố quan trọng nhất, chúng ta có thể xây dựng doanh nghiệp quốc tế một cách nhanh chóng hơn theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, không cần đến 100 năm mà chỉ cần 10 năm thôi. Tôi tin rằng trong thời gian không xa nữa Việt Nam sẽ có những thương hiệu toàn cầu hóa mang niềm tự hào Việt Nam đi bốn phương như là Hàn Quốc đến tận Châu Âu cũng tự hào về sản phẩm của Samsunng.
- Kính thưa 2 ông. Tôi là một nhà đầu tư nhỏ đang nắm giữ CP ITA và TDH. Nhân dịp đầu năm mới xin chúc hai ông sức khoẻ và thành đạt. Xin được hỏi hai ông một câu: Có nhiều quan điểm cho rằng ngành bất động sản 2011 sẽ gặp nhiều khó khăn như chế độ chính sách thay đổi ( Nghị định 69,71...) lãi suất ngân hàng cao, tình trạng bong bóng do đầu cơ bất động sản... Vậy hai ông có kế hoạch gì đề tiếp tục phát triển những doanh nghiệp bất động sản mình đang quản lý (Mai Quang Trung, 36 tuổi, Thành phố Bắc Ninh).
- Ông Hiếu: Hiện nay các dự án công ty đang chuẩn bị triển khai đã lên tới hàng mấy chục dự án và rất nhiều đối tác vẫn tiếp tục mời gọi để hợp tác với chúng tôi. Tuy nhiên, tình hình chung còn khó khăn nên Thủ Đức House dựa trên cơ sở các nguồn lực hiện có để chọn lựa những dự án trọng điểm.
Phân khúc chúng tôi đang tập trung trong đầu tư là những căn hộ trung bình khá và những căn hộ cao cấp ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và một số vùng ven thành phố như Long An, Đồng Nai. Chiến lược kinh doanh trong thời gian tới của chúng tôi là tiếp tục hiện đại hóa và quốc tế hóa các nguồn lực nhân sự, công cụ quản lý và chọn lọc địa bàn hoạt động có sức hấp dẫn cao nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng phát triển thông qua việc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp có sẵn đất sạch để rút ngắn thời gian đầu tư do không phải vướng mắc vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Anh Hiếu thân mến! Cho em hỏi, thí dụ nếu hiện tại anh có vốn 50 triệu kiếm được từ 3 năm làm việc tích góp lại và hiện anh đang làm ở một ngân hàng Việt Nam lương 6 triệu đồng. Anh sẽ vạch ra kế hoạch như thế nào cho 3 năm tới, 5 năm và 10 năm tới để giàu có hơn. (Le Hung Dung, 30 tuổi, TP HCM)
- Ông Hiếu: Nếu chỉ có 50 triệu đồng mà bạn muốn làm giàu trong vòng 3 năm thì chỉ có một cách là bạn chọn một mã chứng khoán mà bạn cho là có giá trị cao trong tương lai để mua và giữ đó cho đến khi nó lên gấp 3- 5 lần. Được ăn cả ngã về không.
Còn một cách khác, bạn có thể tìm một số người có cùng một ý tưởng kinh doanh đặc biệt, độc đáo nào đó mà không tốn quá nhiều vốn chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ thông tin, hoặc một loại hình dịch vụ khác biệt để đầu tư. Trong trường hợp đó, bạn phải hết sức tự tin, kiên trì và đầy đủ bản lĩnh để sáng tạo ra một loại hình kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận cao mà không sợ ai cạnh tranh với mình. Nhưng bạn cần lưu ý rằng có thể 50 triệu của bạn cũng có thể tiêu tan trong vòng 3 tháng.
- Chào anh Hiếu, năm 2010 đã trôi qua với rất nhiều khó khăn về vốn cho cả thị trường BĐS lẫn chứng khoán. Lãi suất hiện tại cũng rất cao. Với tình trạng này doanh nghiệp cần phải làm gì để vượt qua khó khăn? (Thái An, 30 tuổi, Quận 8, TP HCM)
- Ông Hiếu: Vốn là vấn đề nan giải trong tình thế hiện nay. Trong các năm trước thường việc huy động vốn cho thị trường bất động sản thường dựa vào khách hàng và ngân hàng là chính. Tuy nhiên hiện nay sức mua của khách hàng giảm sút, lãi suất ngân hàng quá cao và tín dụng bị thắt chặt đối với bất động sản trong khi đó vốn huy động từ thị trường chứng khoán cũng không dễ dàng do bị đình đốn. Để vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp phải tìm nguồn lực bổ sung thông qua các giải pháp như: phát hành trái phiếu chuyển đổi, liên doanh liên kết với các đơn vị bạn, lọc lại danh mục đầu tư để chọn lựa những công trình trọng điểm có vòng quay nhanh hoặc giãn tiến độ một số dự án...
- Hiện nay, các công ty bất động sản phát triểm rầm rộ, các chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, vậy để phát triển sản phẩm của mình đến người sử dụng, những điều gì mà anh Hiếu hướng đến? (Nguyen Ngoc Huan, 26 tuổi, Tan Tien, F8 Tân Bình)
- Ông Hiếu: Như đã nói ở trên, chiến lược của chúng tôi tập trung chủ yếu vào các chung cư trung bình khá, chung cư cao cấp và căn hộ dịch vụ. Tùy theo vị trí dự án mà xác định cấp độ công trình phù hợp, những công trình của chúng tôi luôn hướng đến việc cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao, đầy đủ tiện ích, không gian sống tiện nghi, ấm áp để trở thành một tổ ấm gia đình thực sự cho khách hàng. Các chung cư của chúng tôi đều có kèm theo những dịch vụ hoàn chỉnh, kể cả chuỗi siêu thị mini do Thuduc House phát triển, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thường ngày của khách hàng. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc quản lý chung cư một cách hiệu quả với kinh phí phải chăng và tạo ra những môi trường mang tính văn hóa cao thông qua các lễ hội được tổ chức thường xuyên tại chung cư.
- Chào ông Đặng Thành Tâm. Được biết ông đã được gặp cựu Tổng thống Mỹ Bush và đương kim Tổng thống Obama, tôi rất tò mò muốn biết ông đã nói gì với họ. (Lê Văn Dũng, 34 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: Khi tôi được Nhà Trắng chọn là một trong 5 doanh nhân tham dự đối thoại bàn tròn với Tổng thống Bush ngày 20/11/2006, trong chương trình có yêu cầu các doanh nhân chỉ nói về doanh nghiệp của mình. Tôi nhận thấy rằng nếu chỉ nói về doanh nghiệp của mình thì cũng không đáng làm mất thời gian của Tổng thống Mỹ, sợ ảnh hưởng đến thời gian của người khác tôi xin đối thoại sau cùng. Sau khi các anh chị thuộc hàng ngũ tiền bối của doanh nhân Việt Nam nói trước đến lượt tôi chỉ có 3 phút nhưng tôi đã lấy của Tổng thống Bush hơn 20 phút mà Tổng thống rất hài lòng.
Tôi hỏi Tổng thống Bush là doanh nghiệp của tôi không có gì để trao đổi với ông mà doanh nhân Việt Nam muốn đối thoại với ông mà không có cơ hội nên tôi thay mặt họ gửi đến ông một thông điệp, đó là vấn đề visa nhập cảnh vào Mỹ. Lúc đó tại lãnh sự Mỹ cứ 10 người vào xin visa thì hết 8 bị từ chối, việc này ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ về kinh tế.
Tôi nói rằng Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ, quan hệ chính trị tốt hơn cũng phải để quan hệ kinh tế được tốt đẹp hơn tương xứng với quan hệ chính trị, có như vậy mới đem lại được lợi ích kinh tế cho hai bên. Nếu doanh nghiệp chúng tôi khó khăn trong việc nhập cảnh Mỹ thì chắc chắn sẽ không thực hiện được nhiệm vụ này. Tổng thống Bush rất phấn khởi trả lời thẳng thắn là sẽ có nhiều cải tiến và thuận lợi hơn cho việc nhập cảnh vào Mỹ. Đến nay thì 10 doanh nhân nộp xin visa vào Mỹ thì đến 9,5 người nhận được visa.
Sau đó Tổng thống Bush rất vui vẻ hỏi tôi là còn thông điệp nào nữa không tôi nhanh chóng trả lời Mỹ là nước có GDP cao nhất thế giới, với cương vị là người đứng đầu đầy quyền lực ông làm gì để nâng vai trò về kinh tế của Mỹ tại Việt Nam, hiện nay đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chỉ đứng hàng thứ 8.
Ví dụ như Chính phủ Nhật Bản quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam đã động viên doanh nghiệp đầu tư lớn vào Việt Nam, Nhật Bản cũng là nước có ODA vào Việt Nam lớn nhất, vậy thì Mỹ có ý định cung cấp ODA cho Việt Nam hay không? Tổng thống trả lời Mỹ là đất nước mạnh về dịch vụ tài chính chứ không mạnh về đầu tư trực tiếp nên tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển mạnh và doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ đầu tư tài chính mạnh vào Việt Nam. Chính vì vậy tôi chọn trung tâm chứng khoán TP HCM làm nơi để đối thoại doanh nghiệp cũng là để đưa ra một thông điệp.
Sau đó, Tổng thống Bush trở về và đã viết cho tôi một lá thư riêng. Tháng 11/2008 tại Peru, tôi cũng được đối thoại với Tồng thống Bush, vì thời gian có hạn nên sau đó ông gửi tôi một lá thư riêng rất dài.
Ngày 14/11/2010, tại Yokohama Nhật Bản, tôi lại có dịp được bắt tay chào hỏi Tổng thống Obama, nhìn chung Tổng thống Mỹ người nào cũng toát ra một vẻ quyền lực rất lớn và uy nghi. Cả hai Tổng thống đều rất cởi mở, câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh việc khi nào Tổng thống Obama sẽ đi thăm Việt Nam.
Tổng thống Obama đánh giá rất cao Việt Nam, cho rằng Việt Nam là nơi có nhiều quyền lợi gắn bó với Mỹ. Tổng thống Obama cũng bày tỏ nhiều thiện cảm với người dân Việt Nam và Nhà Trắng hiện nay cũng đang tính toán chương trình thăm chính thức Việt Nam vào năm nay. Tổng thống Obama cũng rất phấn khởi khi năm 2011 Mỹ sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Apec tại Hawai, quê hương của ông. Do thời gian không nhiều nên cuộc trò chuyện được kết thúc tại đó và hy vọng sẽ được tiếp tục khi Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam.
- Khi có những thất bại liên tiếp trong công việc kinh doanh, 2 chú thường làm gì để vượt qua những khó khăn, căng thẳng đó. Và khó khăn đáng nhớ nhất mà tưởng chừng như 2 chú không thể vượt qua là gì? Công việc như hai chú rất bận rộn, vậy 2 chú có thời gian dành cho gia đình không? (Nguyễn Duy, 25 tuổi, 45 Phạm Vân -P.Phú Thọ Hòa- Q. Tân Phú - TP HCM)
- Ông Hiếu: Đối với doanh nhân thì vượt qua thách thức khó khăn giống như những bữa cơm hàng ngày. Vì doanh nhân luôn phải đối phó với rất nhiều yếu tố bất ngờ trong việc điều hành. Bởi vậy nên lúc nào được nghỉ lễ Tết hơi lâu cũng chính là lúc tôi tranh thủ thời gian để thư giãn, nạp lại năng lượng thông qua những thói quen mà mình yêu thích như đọc sách xem phim, gặp gỡ bạn bè, sáng tác âm nhạc.
Tuy nhiên, nếu nghỉ ngơi quá 3 ngày là tôi cảm thấy rất nhớ những áp lực của công việc và lại ngứa ngấy chân tay muốn trở lại việc đương đầu với những khó khăn hàng ngày. Tất nhiên, việc bị cuốn vào kinh doanh cũng làm ảnh hưởng đáng kể tới thời gian tôi dành cho gia đình. Vì thế, tôi luôn cố gắng bỏ lại tất cả công việc giấy tờ tại công ty, chỉ mang về nhà khi thực sự cấp bách. Có nhiều khó khăn đáng nhớ tưởng chừng như tôi không thể vượt qua, nhưng với sự kiên trì, và một chút may mắn. Cuối cùng bao giờ tôi cũng tìm được ánh sáng cuối đường hầm.
- Tôi đang làm trong nghề bất động sản vậy xin hỏi yếu tố nào cần thiết để thành công với nghề trong tình trạng khủng hoảng, thị trường trầm lắng. Xin cảm ơn nhiều. (Phạm Văn Tùng, 26 tuổi, Nguyễn Thị Đinh - Hà Nội)
- Ông Hiếu: Bạn hãy thu thập thông tin tương đối đầy đủ nhất để rút ra những quyết sách riêng của bạn phù hợp với nguồn vốn hiện có. Cẩn trọng với những danh mục đầu tư nhất là về mặt pháp lý và những đối tác có liên quan. Sử dụng đồng vốn một cách thông minh, linh hoạt nhưng không nóng vội.
- Thưa ông Tâm, tôi thường đọc những bài báo của ông và rất khâm phục sự giản dị, khiêm tốn, sụ gần gũi của ông. Có rất nhiều người chưa giàu đã vội thay lòng đổi dạ. Còn ông dù là một doanh nhân lớn nhưng luôn trân trọng tình cảm gia đình. Làm thế nào để một doanh nhân vừa thành đạt vừa cân bằng được công việc và đặc biệt trong việc gìn giữ mái ấm gia đình? Cám ơn ông. (Nguyễn Minh Nguyệt, 39 tuổi, Báo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần)
- Ông Tâm: Tôi không có bí quyết nào cả. Vợ tôi thực sự thông cảm và hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Chúng tôi thường đi công tác cùng nhau, dành cho nhau khoảng thời gian riêng tư, xen kẽ với nhiều cuộc họp quốc tế.
Để người phụ nữ bớt thiệt thòi, cần nhiều lời động viên ân cần của người chồng. Đừng nghĩ rằng vợ chồng quá gần gũi mà quên đi những câu nói ngọt ngào, yêu thương, những cử chỉ chăm sóc, thậm chí những tin nhắn hóm hỉnh, ngộ nghĩnh cho nhau. Có như vậy, tình yêu sẽ mãi mãi tươi trẻ.
- Kính gửi anh Hiếu, liệu năm 2011 có phải là đáy của khủng hoảng? Nhiều người cho rằng khủng hoàng không chỉ mang đến khó khăn mà còn tiềm ẩn nhiều cơ hội. Theo anh thì sao? (Hòa Anh, 40 tuổi, Dĩ An, Bình Dương)
- Ông Hiếu: Tôi cũng không thể đoán chắc đây có phải là đáy của khủng hoảng hay chưa vì còn nhiều ẩn số lệ thuộc vào các yếu tố trong và ngoài nước. Chẳng hạn như việc điều hành nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ có thành công hay không hay những yếu tố liên quan đến dòng vốn của nước ngoài. Thậm chí một sự kiện xảy ra ở nơi khác trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng tới Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan vốn có, tôi tin tưởng năm 2011 mọi thứ sẽ đi dần vào quỹ đạo và phát triển tốt hơn. Đương nhiên cơ hội là mặt phải của tấm mề đay khi có rủi ro, vấn đề là bạn biết tận dụng nó hay không. Bạn cần phải có một sự dũng cảm khi quyết định đầu tư đồng vốn của mình vào đâu.
- Tôi biết anh Tâm là một người rất thành công với dự án khu Tân Tạo và nó gắn liền với thương hiệu cũng như tên tuổi của anh, vậy tại sao anh lại bỏ Tân Tạo để phát triển SG Tell và sau này là Kinh Bắc. (N.V.Vân, 32 tuổi, 28/5 c7 hht p13, q tb)
- Ông Tâm: Tôi đã gắn bó một thời gian rất dài trong quãng đầu đời làm CEO của tôi ở Tân Tạo, đến nay tên của tôi cũng gắn với Tân Tạo, ai gọi tôi cũng nói là Tâm Tân Tạo để phân biệt với Tâm khác. Cho đến nay Tân Tạo vẫn gắn bó với tôi với tình cảm thân thiết và đó là kỷ niệm làm CEO đẹp nhất trong cuộc đời của tôi. Do đó tôi không bao giờ bỏ Tân Tạo. Chỉ có sự phân công công việc thì tôi tiếp tục ra phát triển các khu công nghiệp ở miền Bắc và thành lập nên Kinh Bắc.
Tâm nguyện của tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp ngày còn ở Tân Tạo, đó là nhân rộng mô hình khu công nghiệp Tân Tạo ra mọi miền đất nước. Chỉ có tên khu công nghiệp là thay đổi theo địa danh của từng nơi còn tinh thần làm việc thì vẫn mạnh mẽ với ý chí tiến công. Chúng tôi luôn luôn mong muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế với tiêu chí công nghệ ngày càng cao hơn, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn. Như vậy ở các vùng chúng tôi đến họ vẫn hiểu rằng mô hình Tân Tạo đang được phát triển ngày càng tốt hơn.
Cụ thể về khu công nghiệp Tân Tạo, đến nay khu công nghiệp đã được lấp đầy, hoạt động khu công nghiệp rất ổn định, một bộ máy chuyên nghiệp và nhiệt tình của các anh em vẫn tiếp tục chăm sóc Tân Tạo ngày càng phát triển đi lên.
- Thưa ông Tâm! Có khi nào ông nghĩ một ngày nào đó ông sẽ thất bại và trở về với hai bàn tay trắng không? (Lee Nguyen) (Lee Nguyen, 37 tuổi, Ha Noi)
- Ông Tâm: Trong cuộc sống, thành công và thất bại luôn luôn đi cùng nhau. Nếu doanh nghiệp có hoạch định chu đáo, cẩn thận, chiếc lược ngắn hạn và dài hạn chính xác thì khó thất bại hơn. Tuy vậy, đó là chủ quan của doanh nghiệp, còn những yếu tố khách quan tác động vào thì chúng ta cũng không lường hết được.
Ngay như những doanh nghiệp hàng trăm năm tuổi đời, với vốn lên đến vài trăm tỷ USD như ở Mỹ còn sụp đổ, huống chi những doanh nghiệp non trẻ ở Việt Nam. Vấn đề quan trọng của một CEO như chúng tôi là luôn luôn thận trọng trong mọi quyết định, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế để đưa ra quyết sách một cách tốt nhất, đem lại hoa thơm trái ngọt cho cổ đông.
Có trắng tay hay không, tôi không sợ, mà điều tôi cần phải làm là không để cổ đông tay trắng.
- Chào chú Hiếu! Cháu rất hâm mộ sự trưởng thành, phát triển của Thủ Đức House (TDH), nhất là người thuyền trưởng của con tàu TDH ra khơi. Chú có thể bật mí một chút về văn hóa tổ chức và phong cách quản lý của công ty chú để đi đến thành công hiện tại của TDH và của bản thân chú. Cháu hâm mộ lắm hy vọng một ngày nào đó cháu sẽ được nhập hộ khẩu vào gia đình TDH. Cám ơn chú ! (Gia Bao, 31 tuổi, TP HCM)
- Ông Hiếu: Văn hóa tổ chức của TDH đã được xây dựng từ nhiều năm nay theo một định hướng tạo ra một sự phát triển toàn diện cho bản thân từng nhân viên, thông qua từng công việc, từng cách ứng xử, từ những chính sách đào tạo và những hoạt động du lịch, sinh hoạt ngoài trời, hội hè... Qua đó, tạo ra sự thân ái và tình đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình TDH.
Phong cách lãnh đạo của TDH là chú trọng đến sự rõ ràng, ngăn nắp trong hệ thống, khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm, gương mẫu và minh bạch trong mọi quyết định. TDH luôn tìm cách để tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, đầy tính sáng tạo và không cứng nhắc, hạn chế tiêu cực đến mức tối đa và tạo ra một giá trị chung của công ty thông qua giá trị của từng nhân viên. Nếu bạn muốn gia nhập vào gia đình TDH, chúng tôi sẵn sàng chào đón thông qua các cơ hội tuyển dụng.
- Ông Đ.T.Tâm: 1. Ông đóng vai trò gì trong vụ rút niêm yết SQC ? 2. Tôi nhận đinh: SQC là một vụ làm giá bất thành của chủ sở hữu. Thực chất việc chế biến Titan (xỉ) không mang lại hiệu quả ngay từ bảng tính trên giấy; và ông hiểu rõ điều đó. Ông có thể lý giải ? (Hoàng Long, 35 tuổi, 304 CC N.V.Lượng 2, Thống Nhất, Gò Vấp)
- Ông Tâm: Năm 2010 là năm không thành công đối với tất cả nhà máy chế biến Titan, nguyên nhân thì nhiều mà tôi không muốn nhắc lại, tuy vậy tôi chỉ đưa ra một dẫn chứng để nói lên rằng quan điểm của chúng tôi đến nay đã được chứng minh là đúng.
Một là: thuế xuất khẩn xỉ titan với độ tinh khiết trên 82% đã được giảm từ 15% xuống 10%, tức là thuế đã giảm 33% là con số rất lớn
Hai là: giá xỉ titan đã gia tăng một cách đáng chú ý từ 500 USD một tấn lên đến 750 USD một tấn.
Như vậy không cần nói không cần tính cũng biết là hoạt động sản xuất này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Chưa nói đến việc kinh tế thế giới hồi phục, giá kim loại ngày càng tăng và điểm hết sức đặc biệt là đến nay các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, cộng đồng Châu Âu đã coi Titan là kim loại của tương lai.
Chúng tôi cũng muốn nói thêm nếu không có các nhà máy chế biến như chúng tôi thì nhà nước vẫn tiếp tục cho xuất khẩu Titan thô, nhưng đến nay nhà nước đã cấm tuyệt đối việc xuất khẩu tài nguyên thô.
Ví dụ: một tấn Titan thô xuất khẩu 50 USD và nhập khẩu đem lại 50 USD, nếu chế biến thành xỉ Titan để xuất thì là 750 USD một tấn, thì nhà nước đã thu ngoại tệ được gấp hơn 10 lần. Như vậy, nếu đẩy mạnh phát triển ngành chế biến thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ giảm được nhập siêu và như vậy cán cân thanh toán xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ rất tốt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Để đánh giá nhà máy chế biến Titan của SQC một cách trung thực hơn thì chúng ta sẽ chờ xem năm 2011 này, thực trạng sẽ thế nào so với năm 2010 để đánh giá được một cách chính xác cái xấu và cái làm được.
Nếu đọc bản dự thảo cương lĩnh chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 11, chúng ta thấy rõ quan điểm tái cấu trúc nền kinh tế thể hiện rõ nét, trong đó có nêu lên rất cụ thể về chiến lược phát triển khoáng sản ở Việt Nam: là chuyển biến từ công nghiệp khai thác khoáng sản sang khai thác và chế biến tạo giá trị gia tăng cao hơn. Như vậy mới thấy rằng một nhà máy chế biến xỉ Titan của SQC là rất nhỏ bé, tuy vậy nhờ qua cơ quan báo chí thông tin đại chúng mà các thông tin đó đến được những người xây dựng chính sách và cụ thể là những chính sách rất đúng đắn về ngành khoáng sản đã được đưa vào trong nghị quyết.
- Những người làm kinh doanh thường hay mạo hiểm, do vậy yếu tố về tầm nhìn sau 10 năm được hoạch định như thế nào mà quý Anh đã thành công, chứ nếu đưa các Chuyên gia Kinh tế hoạch định tầm nhìn 10 năm trong bối cảnh chúng ta thì họ cũng không dám, vì họ cho rằng quá mạo hiểm. Như vậy đâu là sự khác biệt giữa CEO thành công & chuyên gia kinh tế giỏi. (Trần Văn Phát, 44 tuổi, TP HCM)
- Ông Hiếu: Theo tôi một chuyên gia kinh tế giỏi đòi hỏi trước hết phải có kiến thức rộng trong lĩnh vực chuyên môn của mình và có khả năng phân tích. Ông ta cũng phải có một tầm nhìn nhất định để có thể vạch ra được những mục tiêu và giải pháp chính xác. Một CEO thành công thì hơi khác. CEO không đòi hỏi phải có quá nhiều kiến thức như một chuyên gia kinh tế nhưng phải có một sự nhạy cảm và một trực giác đặc biệt để có thể thấy được những điều mà những người khác không thấy trong một rừng sự kiện. Và một điều quan trọng nữa, CEO phải là một người hành động và hành động một cách kiên trì. Còn chuyên gia kinh tế có thể phán xong là xong chuyện. Nói một cách khác trách nhiệm xã hội của CEO rất nặng nề.
Đối với bản thân tôi qua 17 năm làm CEO, tôi có cảm giác mình giống như đang phải đi một con đường một chiều có nhiều dốc cao. Nhiều khi muốn ngừng lại để nghỉ nhưng chỉ sợ trượt chân ngã xuống vực thẳm ở cạnh bên nên phải cố gắng tiếp tục bước đi. Nói như vậy có nghĩa là chưa bao giờ tôi thấy công việc của mình là sung sướng hoặc được hưởng thụ mà phải luôn vượt qua thử thách, vượt qua chính mình để làm tròn trách nhiệm. CEO đúng là một công việc rất nặng nề, đầy mạo hiểm nhưng cũng rất hấp dẫn đối với những người có tính năng động và sáng tạo cao.
- Cháu rất ngưỡng mộ chú Hiếu, cho cháu hỏi chú một câu như sau: Người ta nói "một vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân" và "hãy nhảy xuống nước rồi mới biết bơi" nên nếu có ý tưởng, đam mê, thì hãy LÀM, làm rồi điều chỉnh và học dần dần từ thực tế. Nhưng Adam Khoo nói là: Bất cứ việc gì cũng thực hiện qua 2 lần: 1 trong suy nghĩ, 2 thực tế. Tức là: dự trù hết trong đầu rồi mới bắt tay vào làm. Hai ý trên có một chút trái ngược, mong chú giải đáp và cho ý kiến. Khi nào thì nên "bắt đầu cuộc chơi"? (Nguyễn Chí Linh, 25 tuổi, 144/7 Lý Chính Thắng, P7, Q3, TP HCM)
- Ông Hiếu: Theo tôi thì trước khi bắt đầu hành động thì bạn phải có kế hoạch để hạn chế thiệt hại, nhưng cũng phải dũng cảm bắt tay vào làm thì mới biết là có thành công hay không. Vì thất bại là bà cố của thành công. Có những người thành công ngay hành động đầu tiên, nhưng cũng có người phải trả học phí rất nhiều lần, có khi không phải do thiếu tài năng mà do kém may mắn hoặc là thời thế có nhiều bất lợi cho công việc của mình. Như vậy, giống như tôi nói ở trên, hành động phải kèm theo suy nghĩ, khi thất bại phải biết kiên trì đứng lên để làm lại từ đầu.
- Gửi anh Hiếu và anh Tâm, tôi có đề nghị này dường như hơi khó nhưng hai anh có thể ứng khẩu thành thơ một bài nói về chủ đề vượt qua khủng hoảng không ạ, để lứa trẻ bọn em dễ học hỏi và nhớ (cười) (Thanh Lan, 24 tuổi, TP HCM)
- Ông Tâm: (Cười) Ngày xưa, tôi lấy vợ được là nhờ tài làm thơ, mặc dù rất xấu trai lại còn nghèo. Ngày nay, có kinh tế tốt hơn, ăn mặc tử tế hơn, nếu còn làm thơ nữa thì đôi khi còn làm mất hạnh phúc gia đình (cười). Do đó, hẹn lại các bạn vào dịp tết Tân Mão, nếu bạn nào quan tâm thì lên website của công ty chúng tôi, trên đó có thơ chúc tết.
Qua phân tích những năm vừa qua chúng ta thấy rõ vàng tăng khoảng 30% mỗi năm, USD tăng giá so với VND 5-7% một năm, trong khi USD lại mất giá so với nhiều đồng tiền khác. Như vậy, VND xét một cách tương đối đã giảm giá trị khá nhiều. Như vậy, nếu đơn thuần sử dụng đồng tiền gửi tiết kiệm lãi suất 15% thì các bạn đã không bảo tồn được tiền bạc của mình.
Để bảo tồn được giá trị tài sản của mình, nhiều người mua vàng. Nhưng e rằng vàng đã quá cao. Chuyển sang mua USD thì lại lo kinh tế Mỹ không hồi phục như kỳ vọng. Như vậy, với tốc độ gia tăng dân số 2 triệu người mỗi năm của Việt Nam thì chắc rằng bất động sản vẫn tiếp tục là kênh để các bạn bảo tồn và gia tăng giá trị tài sản mình. Ngoài bất động sản, cổ phiếu hiện nay đang ở mức rất thấp, nhiều mã thấp hơn giá trị sổ sách. Do đó, cơ hội để cổ phiếu trở về giá trị trong năm 2011 là rất cao. Do vậy, đây cũng là một kênh quan trọng để bảo tồn và gia tăng giá trị tài sản của mình. Việc góp vốn mở doanh nghiệp mới cũng là cơ hội đáng quan tâm.
Kinh nghiệm của hầu hết mọi người để vượt qua sợ hãi là nhắm mắt lại. Đó là phản xạ tự nhiên của bất cứ ai trước những gì ngoài khả năng của mình. Tuy vậy, đối với doanh nghiệp vượt khủng hoảng thì phải mở mắt và không được chớp mắt. Vì mỗi lần chớp đôi khi không bắt kịp những nguy hiểm xảy ra.
Vấn đề nữa là tâm linh, làm sao cho bản thân mình dịu bớt những nỗi lo âu. Do đó, doanh nhân thời gian qua đã chọn các ngôi chùa là nơi họ đến để làm dịu bớt nỗi lo âu đem lại sự thanh thản trong tâm hồn, thêm nghị lực mà bước tới.
Vì thời gian có hạn cho nên tôi chưa thể trả lời được tất cả, vì thành công hay thất bại còn tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Rất cảm ơn sự quan tâm của độc giả VnExpress.net. Chúc các độc giả năm mới hạnh phúc, may mắn, đầu tư chứng khoán thành công.
- Ông Hiếu: Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc cho giới doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng và độc giả của VnExpress.net nói chung một mùa xuân đầy quyết tâm, sáng tạo và vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Tôi xin tặng một bài thơ vui theo yêu cầu của bạn đọc: Năm nay dù vẫn khó khăn / Doanh nhân ta vẫn cứ hăng như thường / Thế giới dẫu như đấu trường / Chính phủ vẫn cố tìm đường tiến lên / Quyết tâm phát triển vững bền/ Doanh nhân vượt khó, không rên tiếng nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét