Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Bốn giải pháp căn cơ cho vàng

Ma lực hấp dẫn của vàng đã quay trở lại trong năm 2010 với đà đi lên của giá vàng dường như không thể ngăn cản nổi, xô đổ hết dự báo này tới dự báo khác. Hiện thị trường đang rất cần những giải pháp căn cơ cho thị trường vàng.
Thứ nhất, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ thu hẹp rất nhiều và sẽ biến động nhịp nhàng hơn nếu Chính phủ đồng ý đưa vàng ra khỏi danh sách hàng hoá xuất nhập khẩu mà coi vàng như một loại tiền tệ đặc biệt.
Thứ hai, không nên hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội Theo một số chuyên gia, hiện có đến 45% tiền để dành của dân cư VN dưới dạng vàng, nhất là ở nông thôn, chỉ có 24% là tiền mặt gửi ngân hàng, số còn lại đầu tư vào ngoại tệ, bất động sản... tuy việc không cho phép chuyển hoá vốn huy động vàng thành tiền VND là đúng Khi còn hoạt động kinh doanh của các sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài ở một số ngân hàng thì việc huy động vàng luôn được ngân hàng thúc đẩy vì có quyền chuyển đổi 30% vốn huy động bằng vàng sang tiền đồng để phát triển tín dụng. Nguồn vốn huy động về bằng vàng cũng được không ít ngân hàng tìm cơ hội "cân đối" trên tài khoản nước ngoài để kiếm lời, sau đó tìm thời điểm giá vàng giảm phù hợp, mua vào trả cho khách hàng. Sau Thông tư 22, việc huy động, cho vay bằng vàng cũng như chuyển đổi vốn tiền gửi bằng vàng sang tiền đồng của các ngân hàng bị siết lại. Theo thống kê, lượng vốn huy động bằng vàng của các ngân hàng trong thời gian qua khoảng 91 tấn. Ước tính, đến ngày 30/6/2011, các ngân hàng phải tất toán khối lượng vàng huy động theo Thông tư 22 khoảng 10 tấn. Sau khi Thông tư 22 ra đời, lãi suất huy động vàng có chiều hướng giảm dần, về mức bình quân 0,2 - 1,5%/năm. Do chỉ được huy động vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá nên các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi vàng. Như vậy, vốn bằng vàng được một số NHTM chuyển từ hình thức huy động trực tiếp sang huy động gián tiếp thông qua phát hành giấy tờ có giá. Tuy nhiên, sắp tới, các khoản tiền gửi bằng vàng có thể không những không được trả lãi mà còn phải trả phí ngân hàng dịch vụ giữ hộ vàng cho.
Cần tìm được phương án khả thi cho nguồn vốn vàng. Nhiều chuyên gia kinh tế nói đến phương án chuyển vàng thành ngoại tệ. Bộ Tài chính huy động vàng của dân thông qua trái phiếu vàng. Sau đó, NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ, dạng như cầm cố để làm vốn cho đầu tư. Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân vừa tăng thanh khoản của vàng, vừa giúp NSNN có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Khi đó thay vì phải cấp phép cho các DN nhập vàng thì có thể mua trực tiếp từ Chính phủ. Chính phủ nhiều nước đã huy động vốn vàng của dân đồng thời có công cụ để bảo hiểm rủi ro khi giá vàng biến động.
Thứ ba, NHNN có thể bán vàng ra để bình ổn và điều tiết thị trường thông qua việc NHNN vay vàng của các doanh nghiệp và ngân hàng rồi ủy thác cho họ bán theo mức giá chỉ đạo của NHNN. Với mục tiêu điều tiết thị trường, NHNN có thể bán thêm cho đến khi giá vàng nội - ngoại ngang nhau. Vay vàng có rủi ro nếu giá quốc tế tăng. Sự chênh lệch lãi suất vay vàng và lãi suất tiền đồng thu được có thể bù đắp một phần rủi ro. Việc bán vàng ở mức giá cao và giảm dần cho đến khi giá trong nước ngang giá quốc tế có thể mang lại một phần bù đắp nữa, nhưng chưa đủ. Do đó, khi vay vàng NHNN cần bảo hiểm và khi giá quốc tế có chiều hướng lên, NHNN có thể mua vàng option bên ngoài (quyền chọn mua) để tự vệ. Vào thời điểm thị trường bình ổn, NHNN chủ động mua vàng để trả cho DN, ngân hàng. Đáng quan tâm là phần lớn số vàng NHNN ủy thác bán ra qua các DN, ngân hàng sẽ quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiết kiệm vì ít ai giữ vàng ở nhà. Tận dụng vòng quay này phụ thuộc khả năng của NHNN.
Nói cách khác, ở VN vàng không chỉ là hàng hóa, mà còn là phương tiện thanh toán, tích lũy tiết kiệm của người dân, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với VND, ngoại tệ nên Nhà nước phải quản lý thị trường vàng bằng chính những công cụ thị trường, không nên ngăn chặn nhu cầu vàng bằng những mệnh lệnh hành chính.
Thứ tư, đã đến lúc thị trường vàng cần một lời giải căn cơ có tính thị trường, chuyên nghiệp và tạo điều kiện để ổn định, phát triển thị trường tài chính - đó chính là thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Nhu cầu tích trữ, đầu tư vàng vật chất và tài khoản, cho dù các sàn vàng đã bị đóng cửa vĩnh viễn, vẫn còn đó. Vì thế, kênh đầu tư vàng phải được khơi thông, tạo ra dòng chảy cho thị trường vàng dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Sở giao dịch vàng quốc gia là giải pháp cho thị trường vàng và là bước điều chuyển tất yếu của thị trường tài chính. Ở các nước, không chỉ có các chủ thể như nhà khai thác, tinh chế, bán lẻ... tham gia sở giao dịch vàng. Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức cũng có thể tham gia thông qua các Cty môi giới. Sở giao dịch vàng thực hiện trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung cầu quyết định. Từ đây loại bỏ tình trạng thao túng, “thổi giá” hoặc ghìm giá quá mức bởi một số đối tượng đầu cơ như thời gian vừa qua. Bên cạnh giao dịch vàng vật chất, sở giao dịch cung cấp giao dịch vàng tài khoản, đa dạng hóa nhu cầu đầu tư, tích trữ, bảo hiểm của người dân. Vàng là loại hàng hóa đặc biệt, đồng thời có vai trò như một ngoại tệ dự trữ nên NHNN có thể là đầu mối tổ chức, thành lập, giám sát và quản lý vận hành sở giao dịch vàng. Đầu tháng 12/2010,BIDV đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia dưới dạng Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước. Các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu mua bán vàng sẽ đăng ký lưu ký và đặt các lệnh mua bán thông qua hệ thống giao dịch tại sở. Các thành viên tham gia thị trường gồm hai loại tự doanh và môi giới.
Biến động thị trường vàng và ngoại tệ năm 2011 có thể còn gay gắt hơn nhiều so với năm 2010 nếu chúng ta không chủ động điều hành chính sách tỷ giá hối đoái tốt kết hợp với kiểm soát được thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán trong khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu còn rất mong manh và tiềm ẩn không ít nguy cơ tạo ra những cơn chấn động không chỉ trên thị trường nguyên nhiên vật liệu cơ bản mà còn trên thị trường tài chính tiền tệ. Thị trường vàng hứa hẹn sẽ còn nhiều biến động trong năm 2011 và rất cần những giải pháp đột phá để thị trường vàng không những không gây ra bất ổn vĩ mô mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của kinh tế VN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến