Trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro cuối tuần qua, ông Jeffrey Sach, Giáo sư trường Đại học Columbia, đồng thời là cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cho rằng nước Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng cơ cấu nặng nề hơn Đức và Pháp.
Ở Mỹ, thất nghiệp lên đến mức 10%, bất bình đẳng về thu nhập chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay, thâm hụt ngân sách lên đến 10% GDP. Hệ thống tài chính và thị trường lao động không kiểm soát được là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay. Còn ở “trái tim” của châu Âu, ngoại trừ Italia - vốn do các nguyên nhân chính trị trong nước - Pháp, Đức, Hà Lan, các nước Xcanđinavơ cân bằng hơn nhiều và kháng chịu tốt hơn trước các cú sốc, cạnh tranh hơn về mặt dài hạn so với nước Mỹ. Vì vậy, ông Sach, với tư cách là một người Mỹ, khuyên người Pháp vốn yêu thích chủ nghĩa tự do theo kiểu Mỹ đừng đi theo mô hình Mỹ.
Theo ông, để giữ được khả năng cạnh tranh, các nước phương Tây có thể giảm lương của những nhân công chất lượng thấp hoặc ngược lại và đẩy mạnh giáo dục. Cuộc khủng hoảng khiến cho tiêu dùng giảm. Các chính phủ đã lựa chọn giữa các biện pháp kích thích tiêu dùng và tăng đầu tư. Biện pháp thứ hai tốt hơn. Nhưng Mỹ đã không chọn biện pháp này mà thay vào đó là các chính sách ngắn hạn. Trong khi đó, sự hồi phục cần dựa trên đầu tư vào các hạ tầng cơ sở lớn, nền kinh tế xanh và nguồn nhân công. Tăng tiêu dùng, theo ông, là một cách tiếp cận ngây thơ.
Về việc cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế, ông Jeffrey Sach nhận định đồng USD đã bắt đầu đến lúc suy yếu. Một hệ thống tiền tệ quốc tế dựa vào nhiều đồng tiền là điều cần thiết. Đầu tiên phải thiết lập lại lòng tin vào đồng euro. Thứ hai, liệu đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ là đồng tiền của châu Á hay sẽ có sự phối hợp với đồng yên của Nhật Bản và đồng won của Hàn Quốc? Hiện đồng NDT thậm chí còn chưa phải là đồng tiền quốc tế nhưng chắc chắn Trung Quốc có kế hoạch để thay đổi trong vòng 10 năm tới, thậm chí là ngắn hơn.
Nếu châu Âu cùng chung tiếng nói và châu Á đồng ý, một hệ thống tiền tệ có thể được thiết lập dựa trên 3 trụ cột là đồng euro, một đồng tiền của châu Á và đồng USD.
Trong bối cảnh tăng trưởng yếu và nợ công của các nước phương Tây gia tăng, ông Jeffrey Sach cho rằng, Trung Quốc đang góp phần khôi phục nền kinh tế thế giới. Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại châu Phi. Trung Quốc cũng giữ vai trò ổn định quan trọng đối với đồng euro.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố tiếp tục mua trái phiếu của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, theo ông Sach, nhu cầu của Trung Quốc cũng khiến giá nhiên liệu và lương thực thế giới tăng cao. Trung Quốc hiện chưa tự chủ được nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về môi trường, song như ông đã nói từ cách đây 20 năm, rằng tăng trưởng của Trung Quốc là bền vững và nước này đang làm thay đổi thế giới.(Nguồn: TTX, 11/1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét