Tổng thống Barack Obama sẽ mở các cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Washington vào thứ Hai tuần tới ngày 10/1/2011 . Pháp hiện đang giữ chức chủ tịch G8 và G20 trong năm nay và ông Sarkozy có thể nêu ra một ý kiến chính mà ông muốn thúc đẩy trong thời gian giữ chức này, đó là lập lại trật tự của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không giữ bí mật về các tham vọng của ông là khởi sự một cuộc đối thoại về việc định hình lại hệ thống tiền tệ quốc tế. Ông đã đề xuất các tham vọng này một cách rộng rãi cách đây 1 năm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một diễn biến thường niên với sự tham gia của các nước giàu và mạnh ở Thụy Sĩ.
Khái niệm tổng quát là mở rộng hệ thống tiền tệ để đồng đôla Mỹ không còn là đồng tiền dự trữ chính nữa. Lập luận đưa ra là điều đó phản ánh thực tế mới và sự trỗi dậy của các cường quốc mới, như Trung Quốc chẳng hạn.
Ông Sarkozy dự trù sẽ bao gồm ý kiến đó trong một bài phát biểu vào cuối tháng này đề ra các mục tiêu trong thời gian nước Pháp đứng đầu câu lạc bộ các quốc gia trong khối G8 và G20.
Chuyên gia phân tích kinh tế - bà Paola Subbacchi, thuộc cơ quan nghiên cứu Chatham House có trụ sở ở London, ca ngợi ông Sarkozy đã khởi động cuộc đối thoại.
Bà Subbacch cho biết: “Dứt khoát cần thiết phải xét lại cơ cấu và tổ chức quốc tế của hệ thống tiền tệ. Chắc chắn điều đó là đúng nếu ta tiến tới một thế giới đa cực về mặt kinh tế, thì điều giản dị là sẽ có thêm các nền kinh tế chế ngự hệ thống và chúng ta cần phải nghĩ đến việc có một hay nhiều đồng tiềnkhác.”
Chung cuộc, bà Subbachi tin rằng thế giới sẽ tiến tới việc chấp nhận các đồng tiền trong khu vực, ví dụ như đồng đôla dành cho châu Mỹ, đồng euro dành cho châu Âu hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cho châu Á. Nhưng bà tin rằng sẽ phải mất nhiều năm mới có được những thay đổi này.
Lần chót hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp gặp nhau là tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 11 tại Lisbon. Ở đó, Tổng thống Obama đã nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và châu Âu. Nhưng một bản báo cáo sau đó của trưởng ban đối ngoại Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton đã cảnh báo rằng châu Âu không đứng đầu trên màn hình radar của Washington, và Mỹ đang xét tới các đối tác mới.
Chuyên gia về lịch sử Mỹ Pierre Gervais, giảng dạy tại trường Đại học Paris 8, không lấy làm lạ về điều này.
Ông Gervais nhận xét: “Châu Âu vẫn có thể còn đóng một vai trò, một vai trò khá quan trọng, trong sách lược và suy nghĩ của Mỹ nếu như châu Âu có khả năng khai triển được chính sách đối ngoại riêng của mình một cách vững chắc và có hiệu quả.”
Nhưng ông Gervais nói cho đến nay chưa thấy điều này xảy ra. Và ông cũng nghi là chuyến thăm của ông Sarkozy tại Washington sẽ tạo được mấy khác biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét