Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày 11/1 tới đây TTCK Lào sẽ chính thức hoạt động. Phiên giao dịch đầu tiên chỉ có một mã cổ phiếu niêm yết, đó là Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) - một trong các công ty nhà nước lớn nhất vừa được cổ phần hóa cách đây 2 tuần. Dự kiến, cổ phiếu của Tổng công ty Điện lực Lào là mã thứ hai được niêm yết ngay khi IPO thành công.
Một bức tranh không khác gì TTCK Việt Nam khi mới đi vào hoạt động cách đây 10 năm, cũng chỉ chào các nhà đầu tư hoàn toàn non trẻ bằng hai mã niêm yết.
Nhưng TTCK Lào có gì lạ? Kinh tế Lào tương tự như Việt Nam với nhiều doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt. Tuy nhiên, tiến trình IPO tại Lào rất khác. Lào bắt đầu IPO từ các DN lớn nhất như BCEL và IPO xong là thực hiện niêm yết ngay. Đưa DN lớn lên sàn, mục đích của nước bạn là để thu hút sự quan tâm của NĐT quốc tế. Dự kiến, trong 1 - 2 năm tới, Lào sẽ đưa khoảng 100 - 200 công ty lên sàn.
Người Lào khẳng định, việc thành lập TTCK để thu hút vốn quốc tế, nên họ cố gắng tạo ra sự hấp dẫn ngay từ đầu dựa vào quy mô và chất lượng hàng hóa.
Cơ quan quản lý TTCK Lào là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là cơ quan ngang bộ với Chủ tịch là Phó Thủ tướng thường trực. Mô hình này khiến Ủy ban có thể triển khai nhanh chóng các chính sách phát triển thị trường.
Sở GDCK Lào được xây dựng hiện đại theo mô hình hạch toán độc lập, liên doanh với Hàn Quốc, tỷ lệ góp vốn Lào là 51% và Hàn Quốc 49%.
Ban đầu, TTCK Lào khớp lệnh định kỳ, 2 lần/phiên, nhưng có thể triển khai ngay khớp lệnh liên tục và giao dịch trực tuyến dựa trên hệ thống công nghệ được xây dựng đầu tư đồng bộ ngay từ ban đầu. Để tăng sự hấp dẫn, thuận lợi, NĐT được mở nhiều tài khoản, mua bán cùng phiên...…
Sự hấp dẫn này là điều mà nhiều nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam vẫn đang còn... ngóng đợi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét