Đối với Châu Âu và Hoa Kỳ, năm 2010 là một năm đáng thất vọng. Đã ba năm trôi qua kể từ sự đổ vỡ của bong bóng nhà đất và hơn hai năm kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers. Trong năm 2009, chúng ta đã trở lại với thời kỳ suy thoái và năm 2010 đáng ra phải là năm biến chuyển: khi nền kinh tế trở lại đôi chân của mình, các chi tiêu kích thích có thể được dần rút bớt.
Tăng trưởng được cho rằng sẽ chậm lại trong năm 2011 nhưng đó sẽ là một bước chững nhỏ trên con đường phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới. Chúng ta có thể nhìn lại cuộc Đại Suy thoái như một cơn ác mộng; nền kinh tế thị trường – được hỗ trợ bởi bước đi thận trọng của chính phủ - sẽ cho thấy sự bật dậy mạnh mẽ của mình.
Thực tế, năm 2010 là một cơn ác mộng. Cuộc khủng hoảng tại Ireland và Hy Lạp đã đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của đồng EUR và gia tăng nguy cơ về một khả năng vỡ nợ trong tương lai. Ở cả hai bờ của Đại Tây Dương, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao, quanh 10%. Mặc dù 10% hộ gia đình Mỹ với các khoản vay thế chấp đã mất nhà, tốc độ tịch biên nhà vẫn tỏ ra gia tăng.
Không may thay, sự quyết tâm của năm mới đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ lại tỏ ra không phù hợp. Những thất bại và sự hoang phí của khu vực tư nhân, theo đó gây ra cuộc khủng hoảng, đã đòi hỏi khu vực công phải thắt chặt ngân sách của mình. Hậu quả là gần như chắc chắn sự phục hồi kinh tế sẽ chậm lại và điều sẽ kéo dài cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức có thể chấp nhận được.
Đồng thời, sẽ có sự suy giảm trong khả năng cạnh tranh. Trong khi Trung Quốc đã giữ sự phát triển của nền kinh tế bằng cách đầu tư vào đào tạo, công nghệ và cơ sở hạ tầng, Châu Âu và Hoa Kỳ đang cắt giảm và thắt chặt chi tiêu.
Đã xuất hiện một xu hướng trong giới chính trị gia, rao giảng về đạo đức trong xã hội, kêu gọi chia sẻ những khó khăn của nền kinh tế. Không nghi ngờ gì, vì những người phải chịu đựng sự chia sẻ này đều là những người không có tiếng nói trong xã hội – những người nghèo và các thế hệ tương lai. Để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế, một số người, trên thực tế, sẽ phải nhận phần thua thiệt. Nhưng việc phân phối thu nhập ngày càng chênh lệch chỉ ra rõ ai mới là người nên chia sẻ khó khăn với nền kinh tế: Ước tính khoảng 25% tổng thu nhập của nước Mỹ ngày nay đến từ tầng lớp chỉ chiếm 1% trong xã hội trong khi hầu hết thu nhập của người Mỹ đều giảm đi so với 12 năm trước đây. Vì vậy, liệu những nạn nhân vô tội và những người chẳng thu được lợi ích gì từ những bong bóng tài sản có thực sự phải trả giá nhiều hơn?
Châu Âu và Hoa Kỳ có chung nguồn nhân lực chất lượng, những nguồn tài nguyên và nguồn vốn tương đồng trước khủng hoảng. Các thị trường tài chính tư nhân đã phân bổ nguồn vốn thiếu cân đối trên quy mô lớn nhiều năm trước cuộc khủng hoảng, và sự lãng phí từ hoạt động thiếu hiệu quả đã trở nên lớn hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Câu hỏi là làm cách nào chúng ta đưa những nguồn lực này trở lại hoạt động một cách hiệu quả?
Tái cơ cấu nợ - bao gồm việc giảm bớt nợ cho các hộ gia đình, và trong một số trường hợp là các chính phủ - sẽ là chìa khóa cho vấn đề. Điều này cuối cùng sẽ xảy tới. Nhưng việc trì hoãn đang gây tốn kém – và rõ ràng là không cần thiết.
Các ngân hàng không bao giờ muốn thú nhận về số nợ xấu của mình, và giờ họ không muốn chấp nhận thua lỗ, ít nhất cho tới khi họ có thể tự tái tài trợ cho bản thân một cách hợp lý thông qua các lợi nhuận giao dịch và thu hẹp khoảng cách giữa tỷ lệ cho vay cao và chi phí vay mượn thấy hiện nay. Khu vực tài chính sẽ thúc ép chính phủ phải đảm bảo hoàn trả đầy đủ, ngay cả khi việc này dẫn tới lãng phí xã hội diện rộng, tỷ lệ thất nghiệp lớn và căng thẳng xã hội dâng cao – và ngay cả khi điều này xuất phát từ những sai lầm cho vay của chính các ngân hàng.
Nhưng như chúng ta đã học được từ lịch sử, sự hồi sinh sẽ xuất hiện sau tái cơ cấu nợ. Không một quốc gia nào muốn trải qua cơn chấn động mà Argentina từng phải chịu trong giai đoạn 1999 – 2002. Nhưng các quốc gia cũng phải chịu đựng nhiều năm nhận cứu trợ của IMF và hàng năm dài thắt chặt chi tiêu – với mức thất nghiệp và nghèo đói cao và tăng trưởng xấu.
Kể từ khi tái cơ cấu nợ và phá giá tiền tệ, Argentina đã ghi nhận nhiều năm tăng trưởng GDP ngoạn mục với mức tăng trưởng trung bình hàng năm gần 9% trong thời gian từ năm 2003 – 2007. Tới năm 2009, thu nhập quốc dân của quốc gia này đã gấp đôi so với thời kỳ điểm đen của cuộc khủng hoảng vào năm 2002 và cao hơn 75% mức đỉnh trước khủng hoảng.
Hơn thế nữa, tỷ lệ nghèo đói của Argentina đã sụt giảm khoảng 75% từ mức đỉnh khủng hoảng. Quốc gia này cũng đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn những gì Hoa Kỳ đã làm được – dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao – nhưng chỉ giao động quanh mức 8%. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán điều gì có thể xảy ra nếu Argentina không trì hoãn thực hiện quyết định tái cơ cấu nợ - hoặc đẩy những nỗ lực đó lên cao hơn.
Do đó, hy vọng của tôi cho năm mới là chúng ta thôi tập trung vào những tổ chức được coi là có khả năng tài chính thần kỳ - những tổ chức đã đưa chúng ta vào những vấn đề hiện nay – những người giờ kêu gọi thực hiện thắt chặt và cố trì hoãn tái cơ cấu – và bắt đầu mất đi sự nhất trí trong quan điểm. Nếu ai phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng, những người hưởng lợi nhiều nhất từ các bong bóng nên chịu những gánh nặng đó.
Joseph E.Stiglitz là giáo sư Đại học Columbia và là nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét