Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính phủ cần phải là “người chơi”

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã từng cảnh báo, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở nước ta chưa phát triển, thậm chí là phát triển kém sẽ dẫn đến nguy cơ các cơ sở sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng có thể phải rút khỏi thị trường Việt Nam do không tìm được nguồn cung cấp linh kiện, chi tiết, nhất là trong điều kiện sức ép về tiền lương tăng lên, lợi thế nhân công rẻ mất đi. Phát triển ngành CNHT, thực sự đã trở nên cấp bách.
 
Từ câu chuyện “con gà và quả trứng”
Câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước” có lẽ là câu chuyện dân gian chưa có hồi kết. Và khi nói về CNHT ở Việt Nam, PGS.TS Phan Đăng Tuất – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đã liên hệ những tranh luận xung quanh việc xác định danh mục các sản phẩm CNHT với câu chuyện “con gà và quả trứng”.
Ông Tuất dẫn giải bằng việc “mổ xẻ” quá trình sản xuất lốp cho ôtô. Đầu tiên phải khẳng định rằng, lốp là một trong gần 30 nghìn sản phẩm cho công nghiệp lắp ráp ôtô và như vậy nó là sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên để sản xuất ra lốp cần có rất nhiều sản phẩm khác, đơn cử như cao su, vải bạt, tanh… và lúc này lốp lại là sản phẩm chính và những sản phẩm trước đó là hỗ trợ. Nếu cứ loanh quanh như vậy thì không biết đâu là chính, đâu là hỗ trợ. Do đó các nhà nghiên cứu và các chuyên gia đã phân định trong CNHT có nhiều lớp, và cần phải đối chiếu khái niệm CNHT với nhiều tiêu chí ở nhiều quốc gia để rút ra những khái niệm căn bản, nhằm xây dựng một danh mục các sản phẩm CNHT phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thực tế việc ban hành danh mục các sản phẩm CNHT là rất cần thiết. Theo tiến sĩ Trương Thị Trí Bình – Giám đốc Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC) thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương: “Danh mục này sẽ giúp cụ thể hóa các vấn đề về CNHT vốn vẫn đang còn gây tranh cãi và nhiều điểm chưa thật sự sáng tỏ. Quan trọng hơn cả, với danh mục này, có thể lựa chọn đầu tư ưu tiên vào các lĩnh vực cần nhất của nền công nghiệp, theo các mục tiêu mà Chính phủ cần. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, cần thời gian và nghiên cứu nghiêm túc”.
Trong câu chuyện ngoài lề, một số chuyên gia cho rằng việc ban hành danh mục sản phẩm CNHT không phải là quá khó, tuy nhiên vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý là do danh mục này sẽ làm căn cứ để Chính phủ xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi cho những DN đang sản xuất những sản phẩm trong danh mục này.
Nhật Bản là quốc gia có CNHT rất phát triển, tuy nhiên khi đặt câu hỏi: “Nhật Bản có ban hành danh mục sản phẩm CNHT hay không?” giáo sư Kenichi Ohno, (Project leader of GRIPS-NEU Joint Research Project) cho biết: Nhật Bản không có một danh mục chính thức liệt kê cụ thể các sản phẩm CNHT. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có chung cách hiểu và thường đưa ra những ví dụ cụ thể nhưng không phải lúc nào cũng giống nhau. Ví dụ, Báo cáo của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản về Tầm nhìn CNHT năm 2006 liệt kê sản phẩm CNHT bao gồm “đúc sắt và kim loại màu, đúc khuôn, rèn, dập kim loại, luyện kim bột, xử lý nhiệt, khuôn mẫu, và thiết bị đúc rèn, v.v…” 
Giáo sư Ohno đưa ra một số nhận xét và khuyến nghị: “Nghiên cứu kinh nghiệm Nhật Bản trong phát triển CNHT có thể không thu thập được nhiều thông tin bằng nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước đến sau do bối cảnh và điều kiện đã thay đổi nhiều trong 50-60 năm qua. Tốt hơn hết, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước ASEAN, là những nước có những điều kiện và trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam, như thế sẽ dễ dàng so sánh và rút ra bài học cho mình”.
Đến vai trò của Chính phủ
Chính phủ đang nghiên cứu ban hành những chính sách tạo động lực phát triển CNHT. Việc này cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các sở ban ngành địa phương, nhằm ban hành danh mục CNHT để từ đó Nhà nước có sự hỗ trợ thông qua những chính sách ưu đãi dành cho phát triển CNHT.
Trên thực tế giữa các ngành, các địa phương còn chưa có sự phối hợp… thậm chí ngay cả cách hiểu về khái niệm CNHT vẫn chưa thống nhất. Tại hội thảo “Công nghiệp hỗ trợ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” lãnh đạo các tỉnh trong vùng thừa nhận các tỉnh chưa phối hợp chặt chẽ trong việc hợp tác kêu gọi đầu tư và phát triển CNHT. Cũng tại hội thảo này, bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đã phải đăng đàn giải thích với các đại biểu về số liệu thống kê số lượng doanh nghiệp CNHT trên địa bàn Đà Nẵng của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản). Vấn đề khác biệt ở báo cáo của JICA và Sở Công Thương Đà Nẵng là do cách hiểu sai về khái niệm CNHT dẫn đến thống kê theo các tiêu chí không đồng nhất. Bà Mai kiến nghị Chính phủ cần ban hành những văn bản thống nhất cách hiểu khái niệm CNHT ở phạm vị hẹp hơn.
Chia sẻ với nỗ lực phát triển CNHT tại Việt Nam, ôngHayashida Takayuki - Cố vấn cao cấp hình thành Dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Namcho biết, việc hỗ trợ phát triển CNHT của Việt Nam là hết sức quan trọng, đặc biệt điện, điện tử là thế mạnh của Nhật đang muốn hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên ông Hayashida cũng cho biết, hiện JICA đang rất thiếu thông tin về DN sản xuất CNHT. Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về DN CNHT một cách đồng bộ, chính xác giúp JICA cũng như các nhà đầu tư có được thông tin cụ thể về sản phẩm, quy mô… Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư và trợ giúp phát triển.        
Đánh giá vai trò của Chính phủ trong định hướng phát triển CNHT, tiến sĩ Trương Thị Trí Bình cho rằng: CNHT là “cuộc chơi” quá lớn, mà bản thân các DN khó sức tự đảm đương. Chính phủ cần phải là một “người chơi”, chứ không chỉ là hỗ trợ. Trong 5-10 năm tới việc hình thành hệ thống DN sản xuất là mục tiêu quan trọng nhất đối với CNHT, cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất CNHT. Đây là các DN có quy mô nhỏ và vừa, cung ứng linh kiện chi tiết phụ tùng nguyên vật liệu… cho các ngành chế tạo. Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có các quan tâm đặc biệt đến vấn đề này trong năm 2010. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, các chương trình xúc tiến bề nổi khó thành công, do các lợi thế cạnh tranh tĩnh (lao động rẻ, giá thuê đất hấp dẫn…) không còn quá thu hút đầu tư nước ngoài như các năm trước. Dung lượng thị trường sản phẩm chế tạo của Việt Nam lại chưa cao (ôtô, máy công nghiệp, máy nông nghiệp…). Cần có các chính sách ưu đãi mạnh mẽ quyết liệt của Chính phủ, của các địa phương cho lĩnh vực này thì các DN nước ngoài mới quyết định đầu tư được. Hiện tại việc sản xuất linh kiện trong nước có giá thành cao hơn nhập khẩu, vì Việt Nam phải nhập hầu như toàn bộ nguyên vật liệu, thuế cao, chi phí lớn (hạ tầng, giao thông, điện… chưa tốt).
Cụ thể, chính sách ưu đãi cần ở đây là thuế, giá thuê đất, lãi suất, tài chính, các hỗ trợ “mềm” về thủ tục kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nhân lực đặc biệt là kỹ sư và công nhân giúp DN quản lý tổ chức sản xuất hiệu quả.
Việc phải làm thì rất nhiều, có việc dài hạn, có việc ngắn hạn. Trước mắt, cần có chương trình hành động quyết liệt, giao cho Bộ Công Thương tổ chức bộ phận chuyên trách vấn đề này. Bên cạnh quản lý nhà nước, cần phải coi đây là cơ quan xúc tiến sản xuất (như xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…) và dành ngân sách cho các hoạt động xúc tiến sản xuất này. Nếu không phát triển CNHT, Việt nam sẽ không thể đạt mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, và quan trọng là chẳng bao giờ có nền công nghiệp theo đúng nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến