Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Cái giá của ưu đãi đầu tư

Rất cần khuyến khích những dự án FDI không thâm dụng lao động và có khả năng chuyển giao công nghệ. Ảnh: Hà Minh
(baodautu.vn) Khoảng 0,7% GDP là chi phí Việt Nam phải bỏ ra để thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tỷ lệ ước tính này vừa được Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về Xem xét và đánh giá vai trò của chính sách khuyến khích đầu tư đối với tác động của nguồn vồn FDI với kinh tế Việt Nam đưa ra trong Hội thảo tham vấn ý kiến cho nghiên cứu này được tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội.
Nghiên cứu này cho thấy, cái giá mà nền kinh tế Việt Nam đang phải trả cho những chính sách ưu đãi ngày càng đắt lên. Thậm chí, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích rằng, với sự thay đổi của dòng vốn FDI thế giới theo hướng phát triển công nghệ ít phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng, nếu chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam không chuyển kịp một cách đồng bộ, bao gồm cả chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước, tháo gỡ nút thắt hạ tầng kỹ thuật, hướng vào chọn nhà đầu tư cụ thể thay vì chọn quốc gia..., thì vốn FDI đến Việt Nam sẽ là từ các nhà đầu tư tranh thủ kiếm lợi nhuận nhờ sự yếu kém về năng lực quản lý của Việt Nam.
Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu, mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tuyệt đối mà các doanh nghiệp FDI được hưởng thông qua các chính sách ưu đãi lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Tổng mức thuế phải thu nhập doanh nghiệp phải nộp của khu vực này cũng thấp hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (khoảng 8,1% tổng doanh thu vào năm 2008 so với 17,28%).
Ông Nguyễn Tú Anh, chuyên gia nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh tới con số gần 72% dự án FDI đang được hưởng ít nhất một dạng khuyến khích nào đó. “Hiện chưa có một đánh giá tổng thể nào về bài toán chi phí-lợi ích của các dự án FDI được hưởng ưu đãi, song tỷ lệ này cho thấy, diện được ưu đãi khá rộng. Đặt điều này vào tính thiếu nhất quán, không rõ mục tiêu của chính sách ưu đãi đầu tư, việc kiểm soát và lượng hoá lợi ích từ các dự án FDI rất khó”, ông Tú Anh nói.
Hiện tại, căn cứ vào pháp luật về đầu tư, có 26 lĩnh vực thuộc diện được đặc biệt ưu đãi đầu tư (Danh mục A), 53 nhóm ngành thuộc diện ưu đãi đầu tư (Danh mục B). Tuy nhiên, pháp luật về thuế đã giới hạn lại các danh mục này với 24 nhóm ngành thuộc Danh mục A và 39 nhóm ngành thuộc Danh mục B. Mới đây nhất, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đã quy định riêng Danh mục A gồm 28 ngành nông nghiệp. Đó là chưa kể đến danh mục các địa bàn ưu đãi đầu tư chỉ vắng mặt 9 tỉnh, thành phố…
Một suy luận logic là với  công cụ khuyến khích đầu tư của Việt Nam chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tiền thuê đất; với mức ưu đãi tới 4 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, hay áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đối với khu vực đặc biệt ưu đãi…, thì ngân sách đang phải gánh chịu chi phí lớn để thực hiện các chính sách này.
Trong khi đó, Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện rằng, phần lớn doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là các công ty con thế hệ thứ hai trở lên và không có giấy phép sở hữu công nghệ độc lập. “Các công ty này chiếm tới 94%, họ không có năng lực và cũng không muốn thực hiện chuyển giao công nghệ. Hiện chỉ có 4 công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Điều này hạn chế cơ hội tiếp cận công nghệ của các công ty Việt Nam”, ông Tú Anh nói và cho rằng, thực tế này tăng nguy cơ của hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Hơn thế, với chính sách ưu đãi dự án sử dụng 500 lao động, thậm chí là đặc biệt ưu đãi với dự án sử dụng trên 5.000 lao động, có thể thấy ngay mong muốn dịch chuyển vốn FDI sang lĩnh vực không thâm dụng lao động không những không thực hiện được, mà còn cản trở mục tiêu cải thiện năng suất lao động, loại bỏ ưu thế cạnh tranh về lao động rẻ…
Thực ra, theo ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cần phải nhìn nhận chính sách ưu đãi đầu tư FDI và đóng góp của khu vực  này trong từng giai đoạn. “Ưu đãi đầu tư FDI không sai khi vào những năm 1990, kinh tế Việt Nam rất cần vốn để phát triển, vượt qua khủng hoảng, giải quyết công ăn việc làm. Vấn đề nằm ở chỗ chính sách này được kéo quá dài, không còn phù hợp khi điều kiện kinh tế đất nước cũng như thế giới thay đổi”, ông Doanh nói.
Xu hướng tiến hành nghiên cứu, phát minh
của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam:
80% doanh nghiệp không có quỹ nghiên cứu - phát triển riêng.
67% doanh nghiệp không có hoạt động hợp tác với các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam.
35% doanh nghiệp có nghiên cứu sản phẩm thì chỉ đặt mục tiêu thích nghi với thị trường trong nước.
28% doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu sản phảm mới.
13% doanh nghiệp FDI có hợp tác đào tạo với doanh nghiệp sản xuất đầu vào trong nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến