Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có một quyết định quan trọng khi bổ nhiệm một loạt cố vấn kinh tế mới. Đây được xem là cuộc “thay máu” giữa kỳ nhóm cố vấn kinh tế chủ chốt nhằm thích ứng với thời điểm hiện nay.
Trong những cố vấn được bổ nhiệm, người được quan tâm nhiều nhất là ông Gene B. Sperling, cố vấn của Bộ trưởng Tài chính. Ông Gene B. Sperling được bổ nhiệm làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, thay ông Lawrence H. Summers, người vừa rời nhiệm sở để trở lại công việc giảng dạy tại Đại học Harvard. Theo Tổng thống Obama, một trong những lý do lựa chọn ông Sperling là vì ông này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trước đây, xây dựng được các chính sách giúp chuyển từ thâm hụt ngân sách sang thặng dư ngân sách, đem lại thời kỳ thịnh vượng và tiến bộ cho các gia đình Mỹ.
Với cương vị mới, Gene B. Sperling sẽ trở thành cố vấn “chủ lực” của Tổng thống Barack Obama phụ trách vấn đề kinh tế và là người chịu trách nhiệm xây dựng chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành ngân sách liên bang. Trước đó, dưới thời Tổng thống Bill Clinton (1996 -2000), Gene B. Sperling đã từng lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia. AP cho rằng, việc bổ nhiệm Gene B. Sperling là một bước đi cụ thể nhằm bố trí lại nhân sự trong ê-kíp của Obama sau cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào mùa thu năm 2010, trong đó đảng Cộng hoà đã củng cố đáng kể vị thế của mình. Theo ý kiến của giới chức trong chính quyền Tổng thống, ông Gene B. Sperling là người để lại ấn tượng lớn đối với Obama, có thể giúp Tổng thống đạt được thoả hiệp với đảng Cộng hoà về vấn đề bảo đảm thuế tín dụng.
Ngoài ông Sperling, Tổng thống Obama cũng giữ ông Jason Furman, người từng làm việc dưới quyền của ông Sperling trong chính quyền của cựu Tổng thống Clinton, làm Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng đề cử ông Katharine G. Abraham làm thành viên thứ ba của Hội đồng Kinh tế Quốc gia và bà Heather Higginbottom, hiện là cố vấn chính sách đối nội của Nhà Trắng, làm Phó Giám đốc Văn phòng Ngân sách và Quản lý của Nhà Trắng. Như vậy, đội ngũ kinh tế chủ chốt ban đầu của ông Obama hiện chỉ còn lại Bộ trưởng Tài chính Timothy F. Geithner.
Với việc bổ nhiệm và đề cử các cố vấn kinh tế cấp cao mới, Tổng thống Mỹ đã hoàn thành việc “thay máu” giữa kỳ nhóm cố vấn kinh tế chủ chốt. Trong hai năm đầu cầm quyền, ông Obama đã chọn các cố vấn có nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế thời phá sản, nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Còn hiện nay, khi kinh tế thế giới từng bước phục hồi, việc bổ nhiệm các cố vấn kinh tế có khả năng xây dựng các biện pháp khôi phục kinh tế cũng là điều hợp lý. Bởi lẽ trong năm 2010, nền kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi tích cực. Chỉ trong tháng 12-2010, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 103.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 9,4% vào tháng trước xuống mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Khu vực doanh nghiệp Mỹ cũng đã có những bước cải thiện đáng kể về lợi nhuận và tình hình tài chính. Theo Bộ Thương mại Mỹ, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đã đạt mức kỷ lục 1.700 tỷ USD trong quý 3-2010, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và 11,5% so với quý trước đó. Lĩnh vực ngân hàng cũng cải thiện mạnh mẽ khi Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) thông báo lợi nhuận thực của 7.700 ngân hàng và quỹ tiết kiệm trong quý 3 đạt 14,5 tỷ USD, so với mức 2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước đó. Ngành công nghiệp ôtô cũng phục hồi mạnh, điển hình là GM, hãng phải xin bảo hộ phá sản đầu năm 2009, thông báo có lãi trong 3 quý đầu năm 2010.
Mặc dù có không ít dự báo lạc quan về nền kinh tế Mỹ trong năm 2011, song vẫn khó nói trước về đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ... Chính vì vậy, cuộc “thay máu” trong bộ máy điều hành nền kinh tế đất nước của Tổng thống Obama là rất cần thiết để nền kinh tế Mỹ nhanh chóng phục hồi, cân bằng và bền vững hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét