Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Năm 2011: Giá vàng vẫn tăng

Sau khi đã tăng hơn 30% trong năm 2010, giá vàng được dự báo là sẽ tiếp tục chưa chịu dừng lại trong năm 2011.

Giá vàng tăng 325,72 USD/oz trong năm 2010, hay tăng 29,7% so với năm 2009, đưa năm 2010 trở thành năm giá vàng tăng tốt nhất kể từ năm 2001. Giá cổ phiếu vàng cũng tăng mạnh năm ngoái.
Liệu thời kỳ vàng son của vàng có tiếp tục trong năm 2011? Các nhà phân tích tin rằng nó sẽ. Theo Przemyslaw Radomski, một nhà phân tích của tờ Daily Markets, tình hình vàng đã chuyển từ trạng thái tâm lý bi quan nhẹ sang viễn cảnh lạc quan cả trong ngắn hạn và trung hạn.
Lý do của Radomski là tâm lý lạc quan trở lại đối với các thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ là một chất xúc tác tích cực đối với các kim loại quý. “Cho dù hồi phục kinh tế vẫn còn yếu, dòng tiền rẻ sẽ tìm tới chứng khoán, đẩy giá lên cao. Với kim loại quý (như vàng) thì mức tăng sẽ gấp đôi do nhà đầu tư tin rằng đây là lựa chọn đầu tư tốt trong giai đoạn lạm phát,” Radomski nói.
Marc Faber, một nhà đầu tư vàng huyền thoại, cho biết hiện số lượng nhà đầu tư vàng vào vẫn chưa nhiều nếu so sánh với các kênh đầu tư khác, do đó giá vàng vẫn ở dưới mức giá trị và câu chuyện bong bóng vàng là hơi quá.
Giá vàng sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2011 khi những lo lắng về lạm phát đang gia tẳng bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và châu Âu. Khi các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào, đặc biệt là Trung Quốc, giá vàng có thể sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 1.500 USD/oz trước khi cơn sóng vàng dịu lại trong năm 2012.
Thực tế là vàng vẫn thường được coi là một loại tiền tệ thay thế hơn là một loại hàng hóa và khái niệm này vẫn tiếp tục khi nhà đầu tư vẫn dùng vàng để “chống lại” viễn cảnh bất ổn của các loại tiền tệ châu Âu, lạm phát và rủi ro nợ công Mỹ và châu Âu..
Xu hướng tăng giá vàng vẫn tiếp tục khi chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke vẫn không có ý định rút các biện pháp nới lỏng định lượng tiếp theo, bất chấp những tranh cãi gần đây về tính hiệu quả của nó.
Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ vượt 1.690 USD/oz trong vòng 12 tháng tới khi dòng tiền nới lỏng mới sẽ tiếp tục tìm tới các loại tài sản có thể đầu tư như vàng. “Chúng tôi tin rằng cuộc khủng hoảng niềm tin trong các thị trường tài chính hiện mới chỉ bắt đầu. Thâm hụt ngân sách sẽ tăng và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào vàng,” Peter Grossskipf, giám đốc điều hành Sprott Inc, nói.

Trong khi đó Trung Quốc đang tăng cường mua vàng khi 10 tháng đầu năm 2010, nước này mua 209,7% tấn, so với chỉ 45 tấn trong năm 2009. “Chúng tôi đang rất lạc quan về triển vọng giá vàng trong năm 2011. Rủi ro kinh tế, tài chính, chính trị là điều kiện gần hoàn hảo cho cơn bão giá vàng,” chuyên gia của Morgan Stanley nói.
Nick Barisheff, giám đốc điều hành Bullion Management Group, bất chấp việc giá vàng giảm mạnh những ngày đầu năm mới, xu hướng tăng giá một một thực tế khó đảo ngược khi các ngân hàng trung uơng vẫn tiếp tục mua vàng vào, cộng với xu hướng từ bỏ đồng đô la Mỹ và sức mua lớn từ Trung Quốc.
Năm 2010, Trung Quốc, Iran, Nga và Ấn Độ… đều tăng lượng dự trữ bằng vàng với mức tăng hơn 500% so với năm 2009. Nga cần mua thêm ít nhất 1.000 tấn và Trung Quốc 3.000 tấn trong thời gian tới. Một nguồn tin chính thức thì nói Trung Quốc sẽ mua ít nhất 6.000 tấn còn con số không chính thức là 10.000 tấn vàng.
“Dù chính thức hay không, việc mua vàng của Trung Quốc sẽ là chất xúc tác quan trọng nhất tới giá vàng trong năm 2011,” Nick Barisheff nói.
Xu hướng từ bỏ đồng USD đang diễn ra khi tháng 11/2009, Nga, Trung Quốc và Pháp muốn giao dịch với nhau bằng đồng tiền của họ, hơn là đồng USD. Tháng 11/2010, Trung Quốc và Nga đã chính thức “từ bỏ đồng USD” trong giao dịch thương mại song phương. Xu hướng này sẽ khiến đồng USD tiếp tục mất giá và đẩy giá vàng lên cao.
Nhìn vào biểu đồ, đồng đô la Mỹ, đô la Canada, euro, bảng Anh và yên Nhật đã mất khoảng 70-80% sức mua trong 10 năm qua. Và khi tiền đang mất giá thì vàng sẽ tăng giá tương đương mức tiền mất giá. Nguồn cung tiền thì không hạn chế còn cung vàng thì hạn chế.
Để dự báo giá vàng trong tương lai, hãy nhìn lịch sử giá vàng với lạm phát Mỹ. So với tháng 1/1980 khi giá vàng đạt đỉnh 850 USD/oz, CPI của Mỹ tăng 185%, và giá vàng hợp lý hiện tại sẽ là 1.753 USD/oz.            
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào viễn cảnh của vàng là một nơi trú ẩn an toàn. Theo BMO Capital Markets, đe dọa lớn nhất đối với giá vàng trong năm 2011 chính là việc tăng lãi suất “bất ngờ” của Fed, lo lắng lạm phát không còn và sự bán tháo (chốt lời) vàng ồ ạt của các quỹ ETF. Theo UBS, giá vàng có thể đạt 1.550 USD/oz trong năm 2011 và sau đó giảm xuống 1.350 USD/oz vào năm 2012.
Theo Goldman Sachs, khi gói QE2 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2011 và kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn trong năm 2011 và 2012, lãi suất thực có thể sẽ tăng trở lại trong năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến