Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Ngành dệt may “lo” nguyên liệu để đạt kim ngạch 20 tỷ USD

Đến năm 2015, ngành dệt may đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá 70-80% trong các khâu đặc biệt là tự lo được vấn đề nguyên phụ liệu để trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD.
Với kim ngạch hơn 11,20 tỷ USD trong năm 2010, ngành dệt may được coi như đang trên đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), bên cạnh những hình ảnh tích cực đó, ngành dệt may hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa mà nếu không có lời giải kịp thời thì có thể những hình ảnh lạc quan nói trên sẽ không còn ý nghĩa.
Trước hết là giá nguyên liệu hiện đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử ngành dệt may thế giới trong 140 năm qua. Giá bông tăng gấp đôi so với đầu năm và hiện vẫn chưa có điểm dừng. Trong khi đó, thống kê từ Vitas cho thấy mỗi năm ngành dệt may phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu, còn nguồn nguyên phụ liệu trong nước mới đáp ứng được 30% cho sản xuất và tập trung vào một số sản phẩm. Bông đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu; xơ - sợi tổng hợp 60%; sợi 70%; vải 50%; phụ liệu 70%. Vì vậy, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu trong ngành dệt may cả nước hàng năm vẫn ở mức 7,36 tỷ USD. Hầu hết các nguyên phụ liệu nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nguyên nhân khiến Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may là do sản lượng lẫn diện tích trồng bông trong nước còn quá thấp. Trong khi đó, có một số nguyên phụ liệu khác mà trong nước đã sản xuất được thì giá thành lại cao.

Ngành dệt may đang "đau đầu" lo vấn đề nguyên phụ liệu.
Theo dự đoán của các chuyên gia, cùng với cơ hội thị trường tiêu thụ đang dần hồi phục và những lợi thế của mình, tới đây ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh. Mục tiêu của ngành dệt may đến năm 2015 là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa là 60%, thu hút trên 2,5 triệu lao động.
Để thực hiện mục tiêu trên, giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may là vấn đề cơ bản. Năm 2010, tổng số vốn đầu tư mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự kiến dành cho các chương trình trọng điểm năm nay là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó có việc liên doanh sản xuất xơ polyester và tìm địa điểm xây dựng các khu công nghiệp (KCN) dệt nhuộm.
Mặt khác, Vinatex đang triển khai chương trình phát triển cây bông với việc tích cực tìm kiếm quỹ đất để phát triển trang trại sản xuất bông tập trung. Theo chương trình, có 8 dự án đã đăng ký thực hiện với diện tích gần 2.000 ha, trong đó 2 dự án đang triển khai. Ngoài ra, Vinatex và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đang phối hợp xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với công suất 600 tấn/ngày, dự kiến năm 2012 đi vào sản xuất, đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành dệt.
Đặc biệt, Vinatex còn xây dựng 4 KCN dệt, nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Long An và Trà Vinh nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.
Đối với việc đầu tư nguyên phụ liệu, khu vực tư nhân cũng đầu tư 4 nhà máy xơ, sợi khác tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An, đảm bảo đến năm 2015, đáp ứng được 70% nhu cầu.
Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết: Hiện Tập đoàn đã làm mẫu 3 trang trại trồng bông với diện tích 50ha/trang trại, thành lập Công ty cổ phần bông để trồng 2.500ha bông; thành lập xong Hợp đồng phát triển cây nguyên liệu tập trung vào bông và một số cây nguyên liệu cho ngành dệt. Tập đoàn cũng đặt đơn hàng cho Viện nghiên cứu cây bông thực hiện đề tài sản xuất giống bông tăng năng suất, mang tính quốc gia.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, vấn đề cốt lõi hiện nay của ngành là khâu nhuộm hoàn tất. Vừa qua, đã có 3 tỉnh là Thái Bình, Nghệ An và Trà Vinh đồng ý cho cho triển khai nhà máy nhưng tập đoàn đang tính toán để lựa chọn triển khai ở địa phương nào. Các nguyên phụ liệu khác như chỉ khâu hiện đã có 5 nhà máy, thoả mãn 70% nhu cầu, nút đáp ứng 60% nhu cầu... nhưng tính thời trang còn chưa đa dạng.
Như vậy, với hướng phát triển này, đến năm 2015, ngành dệt may đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá 70-80% là hoàn toàn có cơ sở. Song song với đó, toàn ngành đang tập trung chuyển dần từ gia công sang mua đứt bán đoạn, tự thiết kế mẫu, kết hợp với thời trang hoá ngành dệt may Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến