Dòng tiền vào thị trường chứng khoán tỏ ra lưỡng lự bởi lo sợ khoảng thời gian còn lại không đủ lớn cho hoạt động đầu cơ trong khi đó thị trường USD vẫn có cơ hội kiếm lời.
TTCK Việt Nam: Bên bán mất kiên nhẫn
TTCK Việt Nam đã có tuần giao dịch đầu năm mới hết sức thất vọng trong bối cảnh cả giá lẫn thanh khoản sụt giảm.
Hôm nay, thị trường tiếp tục mở đầu tuần giao dịch thứ 2 năm 2011 bằng phiên sụt giảm mạnh trên cả hai sàn giao dịch khi mà bên bán đã mất dần kiên nhẫn với thị trường. Thanh khoản tuy có tăng nhưng phần nhiều do sự chi phối của bên bán nhiều hơn là bên mua. Cuối phiên ngày hôm nay, hình ảnh của phiên giao dịch ngày thứ 6 tiếp tục lại xuất hiện trên sàn Hà Nội khi thanh khoản tăng lên trong bối cảnh giá giảm.
Có vẻ chúng ta đang chứng kiến động thái bán kỹ thuật và đây không phải là tín hiệu tích cực với thị trường.
Tuần giao dịch đầu tiên thiếu thông tin và sự biến mất của dòng tiền dẫn dắt đã khiến thị trường rơi vào cảnh chợ chiều cuối đông. Trong quá khứ, mỗi lần xu thế này xuất hiện thì sau đó thị trường đều điều chỉnh giảm khá mạnh và đây có lẽ là nguyên nhân đẩy thị trường giảm mạnh hơn do các nhà đầu tư lo ngại lịch sử sẽ lặp lại.
Áp lực có vẻ tiếp tục lớn dần khi nhà đầu tư sắp bước vào Tết Nguyên Đán mà thông thường thị trường thường giao dịch kém sôi động trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường để đón Tết. Do quãng thời gian còn lại là khá ngắn cùng với việc thị trường liên tiếp không chinh phục thành công ngường kháng cự số (2) trên đồ thị phân tích kỹ thuật (trùng với ngưỡng kháng cự động MA(250)) có thể khiến nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp an toàn là rời bỏ thị trường và chờ đợi các tín hiệu xác nhận sau kỳ nghỉ lễ.
Một yếu tố khác có thể khiến dòng tiền rút ra khỏi kênh chứng khoán ở thời điểm hiện tại chính là USD. Nguyên nhân có thể là do tâm lý kỳ vọng USD sẽ được điều chỉnh tỷ giá trong thời gian sắp tới trong khi thị trường chứng khoán thường giao dịch ảm đạm vào Tết Nguyên Đán (trừ năm 2007). Thực tế, trên thị trường, giá USD vẫn liên tục được chặn dưới trong quá trình giảm giá thời gian qua tất nhiên một phần có lẽ do hoạt động giữ giá nhằm neo giá vàng ở mức cao trước thêm một thời gian nữa do quá trình sụt giảm của giá vàng trong thời gian qua là khá nhanh.
Trong hai tuần qua, chúng ta có thể thấy rằng NHNN đang có xu hướng tăng lãi suất chính sách (Lãi suất OMO kỳ hạn 7 ngày). Động thái này sẽ khiến các ngân hàng thương mại cẩn trọng hơn trong việc quản lý thanh khoản và quản lý rủi ro lãi suất. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp tiếp theo trong mục tiêu thắt chặt mà SBV đã đề ra trong thời gian trước đó nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Với những gì đang diễn ra, trên thị trường dường như đang kỳ vọng rằng động thái tiếp theo của NHNN sẽ là tăng tỷ giá (hoặc tăng biên độ), tăng lãi suất cơ bản (hoặc tăng dự trữ bắt buộc). Chính những yếu tố này đã khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán tỏ ra lưỡng lự bởi lo sợ khoảng thời gian còn lại không đủ lớn cho hoạt động đầu cơ trong khi đó thị trường USD vẫn có cơ hội kiếm lời nếu mua USD mang gửi tiết kiệm và chờ điều chỉnh.
Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, các chỉ báo đang khá tiêu cực và nếu nhìn dưới góc độ sàn Hà Nội nếu cuối phiên ngày mai sức cầu không phục hồi, thị trường sẽ quay trở lại kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 100 điểm là rất cao.
Trong ngắn hạn, chỉ số HNX đang nằm trên khu vực hỗ trợ được cho là mạnh và động tác bán mạnh ngày hôm nay có thể là trường hợp “Whipsaw” và do vậy, việc bán bằng mọi giá vào phiên giao dịch ngày mai là không cần thiết (Hiện RSI(14) đang nằm trên ngưỡng hỗ trợ mặc dù giá đã xuống thấp hơn ngưỡng hỗ trợ). Nhiều khả năng sức cầu sẽ phục hồi vào cuối phiên giao dịch ngày mai (có thể giúp ngưng đà giảm điểm hoặc xanh) và thị trường có thể tăng điểm vào ngày thứ 4.
Một chi tiết khác có thể kỳ vọng là ngày mai là ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào vận hội mới – Cơ hội mới với đất nước nói chung và TTCK nói riêng.
TTCK Mỹ: Rủi ro mua vào
TTCK Mỹ đã có tuần giao dịch mở đầu năm mới khá ấn tượng khi các chỉ số liên tiếp thiết lập các mốc cao mới. Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đạt mục tiêu tăng giá trung hạn ngoại trừ chỉ số S&P 500.
Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, các phân kỳ âm vẫn tiếp tục hình thành cảnh báo một sự đảo chiều của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngoài ra có thể thấy rằng tỷ lệ Bulish trên hiện tại là rất cao và dường như đang có dấu hiệu tạo đỉnh. Khả năng thiết lập mốc đỉnh là hiện hữu. Do vậy, mua vào hiện tại là rất rủi ro. Dự báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm điểm vào phiên giao dịch tối nay.
Đồ thị chỉ số công nghiệp Dow Jones
Giá vàng: Đang trong chu kỳ giảm giá
Trong tuần quá, giá vàng đã có đợt giảm giá rất mạnh sau khi kiểm tra lại vùng đỉnh của mình. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của mẫu hình khi các phân kỳ âm vẫn phát huy tác dụng.
Giá vàng đã phục hồi đôi chút khi thông tin về tỷ lệ thất nghiệp đưa ra không được như kỳ vọng (Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp yếu hơn mong đợi). Tính từ năm 1948 tới nay, chỉ có hai tháng là lĩnh vực việc làm phi nông nghiệp thấp hơn tháng 12/2010. Nhưng dù thế nào, với việc giá vàng tìm thấy mức thấp nhất của mình trong đợt sụt giảm vừa qua đã cho thấy triển vọng tiêu cực của giá vàng trong thời gian sắp tới. Tốc độ sụt giảm có thể nhanh hơn nếu giá vàng hình thành mẫu hình vai đầu vai đảo chiều.
Giá đã xuống thấp hơn MA(50) và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thử thách sự hỗ trợ tại MA(100). Tựu chung lại, giá vàng vẫn đang trong chu kỳ giảm giá, mỗi đợt phục hồi là cơ hội để bán hơn mua. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm Bearish về giá vàng lúc này.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét