Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Phía sau việc Trung Quốc “hào phóng” với châu Âu

 
Trung Quốc được lợi gì từ việc đầu tư vào khu vực châu Âu đang khủng hoảng?
Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc đã tính toán kỹ những mối lợi về kinh tế, chính trị, uy tín, khi chìa tay ra với châu Âu
Hôm qua (6/1), tờ El Pais của Tây Ban Nha trích các nguồn tin chính phủ cho hay, Trung Quốc sẵn sàng mua 6 tỷ Euro (tương đương 7,9 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này sẵn lòng mua một lượng trái phiếu Tây Ban Nha có giá trị tương đương với tổng lượng trái phiếu Hy Lạp và Bồ Đào Nha, mà Trung Quốc đã mua trước đó.

Tây Ban Nha là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu lần này của ông Lý Khắc Cường. Hiện nhiều nhà đầu tư đang muốn bán tống bán tháo trái phiếu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha thấp, 4 triệu người thất nghiệp và thâm hụt ngân sách lên đến 16,3%. Tuy nhiên, hôm 3/1, cũng tờ báo trên dẫn tuyên bố của ông Lý Khắc Cường cho hay, Trung Quốc tin vào hệ thống tài chính Tây Ban Nha và tiếp tục tham gia đấu giá trái phiếu chính phủ của nước này.

Theo ông Lý Khắc Cường: “Trung Quốc là một nhà đầu tư dài hạn và có trách nhiệm trên thị trường tài chính châu Âu, đặc biệt là tại Tây Ban Nha. Chúng tôi tin tưởng vào thị trường tài chính Tây Ban Nha và sẽ tiếp tục mua nợ công nước này trong thời gian tới”. Phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Madrid, Phó thủ tướng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ “ở bên cạnh Tây Ban Nha lúc vui cũng như khi buồn”.

Sau Tây Ban Nha, ông Lý Khắc Cường thăm Đức và Anh, 2 nước lớn trong Liên minh châu Âu (EU) cũng là đối tác lớn của Bắc Kinh. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh ở châu Á. Anh cũng trở thành điểm đến quan trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tại Anh, Trung Quốc xếp thứ hai về số lượng các nhà đầu tư. Còn với Đức, kim ngạch thương mại song phương Đức - Trung đạt 140 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 30% kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với EU.

Ngược dòng thời gian, hôm 23/12/2010, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố, Bắc Kinh "sẵn sàng giúp đỡ các nước trong khu vực đồng Euro vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thành công trong việc phục hồi kinh tế" và rằng, trong tương lai, châu Âu sẽ là một trong những thị trường chính mà Trung Quốc sẽ đầu tư các dự trữ ngoại tệ của mình.

Trong cuộc đối thoại kinh tế song phương hàng năm, được tổ chức ngày 21/12 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và thúc giục các nhà hoạch định chính sách châu Âu có những hành động cụ thể. "Chúng tôi muốn biết liệu châu Âu có thể khống chế được các rủi ro nợ, và liệu có đạt được đồng thuận để có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể, cho phép châu Âu sớm vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hay không".

Trước đó, hồi tháng 10/2010, khi công du Hy Lạp, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã mang theo nhiều món quà tặng rất giá trị : hàng tỷ USD hợp đồng kinh doanh và lời cam kết tiếp tục hỗ trợ của một nhà đầu tư nước ngoài cỡ lớn. Bắc Kinh đã hứa giúp Athens qua việc mua trái phiếu chính phủ nước này. Cử chỉ của Trung Quốc đã được chính quyền Hy Lạp hết sức hoan nghênh, xem đấy là một cơ may rất lớn cho một đất nước đang ngập đầu trong nợ công.

Qua tháng 11, trong chuyến đi thăm Bồ Đào Nha, đến lượt Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đề cập đến việc giúp Lisbon đối phó với khủng hoảng. Tại đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa là sẽ “giúp đỡ Bồ Đào Nha bằng những biện pháp cụ thể”. Dù ông không nói rõ những biện pháp đó như thế nào, nhưng trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã hàm ý cho biết khả năng Bắc Kinh bỏ tiền ra mua công trái phiếu của Bồ Đào Nha.

Những thông tin về việc Trung Quốc có ý định bỏ ra một số tiền lớn để mua trái phiếu chính phủ ở Tây Ban Nha hay đầu tư vào Hy Lạp…. đúng ra là những việc bình thường trong thương mại quốc tế, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay. Nhưng tại sao người ta lại lo ngại sự có mặt của Trung Quốc? Trong khi đó, các công ty xe hơi của Đức, Nhật… đang đầu tư nhiều tỷ Euro ở Trung Quốc từ nhiều năm qua và các loại xe hơi của họ đang bán rất chạy ở đại lục.

RFI dẫn ý kiến của giới phân tích cho rằng, Trung Quốc tính toán kỹ những mối lợi về kinh tế, chính trị, uy tín, khi đầu tư mua trái phiếu của châu Âu. Trường hợp Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược chinh phục châu Âu bằng đồng tiền mà Trung Quốc tiến hành trong một vài năm gần đây. Theo các chuyên gia, trong cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác chủ chốt nhờ có khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 2.640 tỷ USD, và Bắc Kinh đang dùng một phần dự trữ này để đầu tư vào châu Âu.

“Trung Quốc đã trở thành người cứu hỏa của thế giới nhìn về khía cạnh tài chính. Họ vận dụng cách này ở khắp nơi, và công nghệ cao là với châu Âu cũng như hàng hóa với châu Phi”, José Ignacio Torreblanca, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng đối ngoại châu Âu nhận định. “Và châu Âu không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận”.

Theo Vanessa Rossi, nhà nghiên cứu lâu năm về kinh tế quốc tế và chuyên gia nghiên cứu vấn đề mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc tại Chatham House có trụ sở ở London, “có thể hiểu rằng, Trung Quốc liên kết sự ủng hộ của họ với tiến trình quan hệ gần gũi hơn với EU, dỡ bỏ các hạn chế, cải tổ tiềm năng trao đổi công nghệ cao. Đây vẫn là một vấn đề với Trung Quốc và có dự đoán rằng, tiến trình ấy có thể được thực hiện như một kiểu có đi có lại”.

Trước hết, Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào USD. Hiện nay, Bắc Kinh đang nắm giữ 907 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ với lãi suất rất thấp. Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia kinh tế Ken Peng, hiện đang làm việc cho tập đoàn Citigroup ở Bắc Kinh, cho rằng rủi ro trong việc mua trái phiếu của một số nước châu Âu có khó khăn tài chính cũng giống như những rủi ro khi đầu tư. Nếu mức độ rủi ro cao thì lãi suất cũng sẽ cao hơn.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc số ra ngày 9/6/2010 dẫn lời một chuyên gia thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế Hoa Âu ở Thượng Hải đã giải thích như sau : "Trước hết, duy trì dự trữ ngoại hối bằng đồng Euro là điều phù hợp với chiến lược lâu dài của Trung Quốc là cần phải đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ của mình, hiện vượt mức 2.400 tỷ USD, trong đó phần lớn là bằng USD. Đây là điều cần thiết vì về lâu về dài, việc đồng USD sụt giá không thể tránh khỏi, khiến cho tài sản bằng đô la của Trung Quốc bị tổn thất".

"Do đó, để duy trì an ninh kinh tế cho mình, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ phải là dần dần giảm tài sản bằng đồng USD và chuyển sang các loại tài nguyên chiến lược như vàng, các nguyên liệu chủ chốt khác, và các ngoại tệ mạnh không phải là USD… Vì vậy, lợi ích chiến lược của Trung Quốc vào lúc này là giúp châu Âu vượt qua khó khăn… Trung Quốc nên nắm lấy cơ hội này để tăng khối lượng tài sản bằng Euro một cách thích hợp vì lợi ích chiến lược lâu dài của quốc gia".

Yếu tố thứ hai là Bắc Kinh cần một khu vực đồng Euro vững mạnh về kinh tế. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trước cả Mỹ. Giúp đỡ về tài chính để người tiêu dùng châu Âu có thể tiếp tục mua sản phẩm của Trung Quốc, đây chính là mô hình quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung trong nhiều năm qua.

Đối với ông Patrick Chovanec, giáo sư kinh tế trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, thì trong vai trò nước hỗ trợ tài chính cho châu Âu, Trung Quốc sẽ có lợi về mặt chính trị và ngoại giao, mặc dù các quan chức châu Âu tuyên bố là họ không có hứa hẹn gì với Trung Quốc, ví dụ thừa nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc hay bãi bỏ lệnh cấm vấn bán vũ khí cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng không thể tiếp tục gây sức ép, ít nhất là không ở mức độ mạnh mẽ như trước, đối với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Ông Alistair Thornton, chuyên gia về Trung Quốc tại cơ quan phân tích, dự báo kinh tế IHS Global Insight lại cho rằng, "hình ảnh một nước đang phát triển cứu vớt một nước phát triển khỏi bị phá sản dường như cũng đủ để Trung Quốc đề xuất sẵn sàng trợ giúp".

Tuy nhiên, chiến lược thâm nhập châu Âu của Trung Quốc đã phần nào gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu. Nếu các nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland hay Hungary rất hoan nghênh bàn tay giúp đỡ của Trung Quốc, thì các cường quốc như Pháp hay Đức thì dè dặt hơn. Thêm vào đó, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đổ nhiều tiền vào châu Âu không phải là phương thuốc chữa bệnh khủng hoảng nợ dai dẳng hiện nay.

Alistair Thornton, nhà kinh tế thuộc tập đoàn IHS Global Insight cho rằng, cam kết của ông Lý Khắc Cường phần nào đó sẽ mang lại lòng tin trên các thị trường châu Âu nhưng sẽ không thể mang lại nhiều thay đổi trong "kịch bản" nền kinh tế Tây Ban Nha. Về phần mình, Mark Williams, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, có trụ sở tại London, cũng nhận định những khó khăn của châu Âu về bản chất mang tính cơ cấu và không phải là vấn đề mà Trung Quốc có thể giải quyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến