Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Kinh tế thế giới năm 2011 sẽ “đầy những cú sốc”?

 
Thế giới sẽ chia thành 3 khu vực chính với nhũng ngã rẽ khác nhau - Ảnh: The Economist.
Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và nhóm các nền kinh tế mới nổi sẽ rẽ theo những hướng khác nhau
Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và nhóm các nền kinh tế mới nổi sẽ rẽ theo những hướng khác nhau. Sự phân chia này sẽ khiến kinh tế toàn cầu năm 2011 vấp phải những cú sốc tai hại, tạp chí The Economist nhận định.

Đặt nhầm chỗ

Năm 2010, kinh tế thế giới khởi sắc hơn kỳ vọng. Sản lượng kinh tế toàn cầu có khả năng tăng trưởng gần 5%, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích cách đây 12 tháng và mức trung bình vài năm qua. Hầu hết những dự báo bất lợi về thị trường tài chính đã không trở thành hiện thực.

Kinh tế Trung Quốc vẫn hạ cánh an toàn. Đợt suy giảm của nền kinh tế Mỹ xảy ra hồi giữa năm đã không đẩy nước này vào một cuộc suy thoái kép. Dẫu rằng, những tồn tại ở Eurozone trở nên nghiêm trọng, nhưng về tổng thể khu vực này vẫn tăng trưởng, nhờ sự đi lên của Đức, nền kinh tế giàu có tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2010.

Liệu kinh tế thế giới năm 2011 có diễn biến cùng chiều với năm nay hay không? Đa số tin là sẽ như thế, bởi lẽ niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã tăng lên ở khắp các khu vực trên thế giới, sản xuất toàn cầu tăng tốc và các thị trường tài chính quốc tế đang trở nên nhộn nhịp hơn.

Từ đầu tháng 7 tới nay, chi số MSCI của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng được 20%. Nhà đầu tư thờ ơ với những tin tức tồi tệ hơn so với những gì đã từng khiến họ bi quan hồi đầu năm, từ lợi suất trái phiếu chính phủ một số quốc gia châu Âu tăng mạnh cho tới lạm phát tại Trung Quốc gia tăng.

Trước đó, hồi đầu năm, nhà đầu tư toàn cầu đã quá bi quan, nhưng có vẻ niềm tin thoáng qua hiện tại của họ đang đặt nhầm chỗ. Diễn biến kinh tế toàn cầu năm tới sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra tại 3 khu vực chính: Mỹ, Eurozone và các nền kinh tế mới nổi. Dẫu Nhật vẫn là nền kinh tế quan trọng, nhưng ít khả năng có sự thay đổi đột phá.

3 khu vực trên sẽ phát triển theo những hướng khác nhau, với triển vọng tăng trưởng và lựa chọn chính sách không giống nhau. Những khác biệt sẽ là điều khó tránh khỏi, sự chia tách sẽ nhiều hơn nhất là giữa các nước giàu và sự xung đột gia tăng là điều dễ hiểu.

Mỗi nhà mỗi nẻo

Trước tiên là các nền kinh tế mới nổi, khu vực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ đầu năm tới nay. Từ Thâm Quyến cho tới Sao Paulo, những nền kinh tế này vẫn không ngừng đi lên. Năng suất lao động không còn tình trạng dư thừa. Bất kỳ chỗ nào cần, dòng vốn ngoại lập tức chảy vào. Những lo lắng về bong bóng địa ốc bị thế chân bởi nỗi lo tăng trưởng quá nóng trên diện rộng.

Trung Quốc không phải là điển hình duy nhất. Tại Brazil, các cửa hiệu luôn ken đặc khách hàng tới mua sắm, lạm phát ở nền kinh tế Nam Mỹ này đã tăng hơn 5%, trong khi nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 vừa qua tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn nóng là nguyên nhân của mọi vấn đề. Mặc dù thời kỳ kinh tế suy giảm năm 2009 đã trở thành dĩ vãng, nhưng chính sách tài chính ở các nước này vẫn được nới lỏng nhờ chính phủ tìm cách ngăn đồng nội tệ lên giá.

Sự kết hợp này rất thiếu bền vững. Để ngăn chặn vật giá tăng trưởng quá mức, chính phủ các nền kinh tế này cần thắt chặt chính sách trong năm tới. Tuy nhiên, nếu thắt quá chặt, tăng trưởng sẽ xuống mạnh. Còn nếu thắt quá nhẹ, lạm phát sẽ tăng cao và buộc họ phải thắt chặt nhiều hơn.

Nói một cách khác, dù làm thế nào thì khả năng cú sốc lớn về kinh tế vĩ mô ở nhóm quốc gia này thực sự tồn tại và không ngừng tăng lên.

Eurozone cũng là nơi khởi nguồn những căng thẳng, cả về tài chính cũng như kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, tăng trưởng tại khu vực này chắc chắn sẽ chậm lại, do chính phủ các nước thành viên đang thắt lưng buộc bụng. Tại một số quốc gia, như Đức, việc thắt chặt tài chính diễn ra tự nguyện. Trong khi nhiều nước như Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp thì không có nhiều lựa chọn và triển vọng kinh tế u ám.

Thực tế cho thấy, các quốc gia trong liên minh tiền tệ ít có khả năng cải thiện tính cạnh tranh nhanh chóng bằng cách hạ lương và giá cả. Tồi tệ hơn, những hậu quả tài chính từ việc chuyển hướng sang tình huống mà một nước thành viên có thể phá sản đang trở nên rõ ràng hơn.

Chính phủ các nước thành viên Eurozone không chỉ nợ nần chồng chất, mà ngay cả mô hình ngân hàng của châu Âu vốn dựa trên sự hội nhập toàn diện, cũng cần phải xem xét lại. Những khó khăn này sẽ trở thành áp lực cho các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các lãnh đạo khu vực này đều rất bảo thủ, do vậy việc châu lục này sẽ đối mặt với nguy cơ lớn trong năm tới là rất có thể.

Mỹ lại theo hướng khác

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ thay đổi nhưng theo một hướng khác. Không như châu Âu, chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ không thắt chặt. Thỏa thuận kéo dài chương trình cắt giảm thuế đạt được hôm 7/12 giữa Tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa tốt hơn nhiều mong đợi.

Theo đó, chương trình này có từ thời cựu Tổng thống Bush không chỉ được gia hạn thêm 2 năm, mà còn được bổ sung thêm 2% GDP trong đợt cắt giảm mới năm 2011. Cùng với chương trình nới lỏng định lượng lần 2 của Cục Dự trữ Liên bang (FED), Mỹ đang liên tục bơm tiền cho nền kinh tế, trong lúc châu Âu đang cố "cắt cơn".

Nhờ đó, sản lượng kinh tế Mỹ năm tới có khả năng tăng trưởng khoảng 4%, đủ để giảm tỷ lệ thất nghiệp dần dần. Tuy nhiên, các chính khách Mỹ đang chơi trò mạo hiểm. Dù thực tế thâm hụt ngân sách dài hạn của nước này khá lơn, Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa thậm chí không đếm xỉa tới một thỏa thuận thắt chặt tài chính trung hạn.

Nhiều kiến nghị giảm thâm hụt ngân sách có vẻ không được ủng hộ. Các trái chủ, những người luôn rộng lượng đối với nước sở hữu đồng tiền dự trữ chính của thế giới, đã chào đón thỏa thuận giảm thuế bằng cách xả hàng trái phiếu kho bạc Mỹ. Rõ ràng là các nhà đầu tư vẫn tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhưng ngày càng lo ngại nhiều hơn về thâm hụt tài chính. Nếu những quan ngại này không giảm bớt, thị trường trái phiếu Mỹ năm tới sẽ bị lung lay.

Những cú sốc tai hại

Vậy những thay đổi như trên sẽ có tác động như thế nào? Sự chuyển hướng này ở mỗi khu vực đều có những rủi ro tiềm ẩn riêng. Chính sách tài chính nới lỏng của Mỹ và những lo ngại về nợ công châu Âu sẽ khiến dòng vốn nóng chảy sang các nền kinh tế mới nổi. Ngân hàng trung ương nhiều nước châu Âu ngại tăng lãi suất và lạm phát bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trong 5 năm tới, các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ đóng góp hơn 50% tăng trưởng toàn cầu, nhưng chỉ 13% tăng trưởng nợ công toàn cầu. Thay vì tái cân bằng, nền kinh tế thế giới trong trung hạn sẽ giằng co giữa một bên các các nước phương Tây nợ ngập đầu và một phương Đông thịnh vượng.

Phương Tây từng tránh được suy thoái nhờ sự hợp tác và chia sẻ giữa châu Âu với Mỹ, nhưng hiện cả hai đang bận giải quyết những vấn đề nội tại và áp dụng các chiến lược đối lập để giải quyết vấn đề. Điều này cho thấy, sự hợp tác quốc tế sẽ không nhận được sự hỗ trợ tích cực.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu sẽ khó tập trung vào vòng thương mại tiếp theo, khi một thành viên thuộc Eurozone có nguy cơ vỡ nợ. Điều đó sẽ tác động xấu tới thị trường tài chính, bởi cả chiến lược của châu Âu và Mỹ về thâm hụt ngân sách đều không bền vững.

Tất nhiên, mọi chuyện có thể sẽ khác. Hiện tại họ đang phung phí tiền bạc. Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ có thể sẽ chuyển sang giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn. Lãnh đạo châu Âu có thể đưa ra thỏa thuận giúp đồng Euro và hệ thống ngân hàng trở nên vững chắc hơn. Các nền kinh tế mới nổi lớn có thể cho phép đồng tiền của họ tăng giá.

Thế nhưng, đừng quá kỳ vọng vào điều đó. Nền kinh tế thế giới với sự phân kỳ rõ ràng thành 3 khu vực lớn như trên có thể khiến 2011 trở thành năm của những cú sốc tai hại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến