Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Quý 1, lãi suất có thể chưa hạ được như kỳ vọng

Một câu hỏi mà các thành viên tham gia thị trường đang đặt ra và tìm kiếm lời giải, để từ đó có phương hướng kinh doanh thích hợp là: liệu lãi suất ngân hàng có thể hạ được ngay trong quý 1/2011? Câu trả lời là chưa.
Định hướng vĩ mô dù khẳng định mục tiêu tổng quát đầu tiên cho năm 2011 là tăng tính ổn định của nền kinh tế, nhưng chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam vẫn để ở mức phấn đấu cao: tăng 7,75% so năm 2010. Với chỉ số ICOR hiện tại 6,2, Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu tăng GDP như đã đề ra thì mức cung tiền qua đầu tư công và tín dụng ngân hàng sẽ phải cao hơn năm 2010. Còn muốn hạ chỉ số ICOR xuống, phải liên quan đến đổi mới cơ cấu kinh tế cũng như phải tăng được hiệu quả đầu tư, đây không phải là việc dễ làm trong một khoảng thời gian ngắn tính bằng tháng hay quý.

Lạm phát quý 1 khó giảm

Kế đến, sự phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá còn có những điểm chưa phù hợp và có thể còn xảy ra trong sáu tháng đầu năm 2011, khi mà những khoản chi thiết yếu sẽ dồn dập xảy ra trước và sau tết cổ truyền. Nền kinh tế không thể chứa quá nhiều tiền mà không có bất ổn xảy ra. Lượng tiền cần thiết cho lưu thông có thể tính toán được vì qua hai van chính là ngân sách (thể hiện bằng chi tiêu đầu tư công) và tín dụng ngân hàng. Nhưng ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan thực thi chính sách tiền tệ quốc gia lại không thể quản và thực chất là không quản được “van ngân sách”; điều này đã được thống đốc thừa nhận trong cuộc họp điều trần trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội rằng “năm 2010 ngân sách nhà nước đã ứng từ NHNN một số tiền rất lớn”. Một khi chính sách tài khoá còn thiên về “bề rộng” nhưng lại kém hiệu quả thì chính sách tiền tệ – tín dụng của NHNN khó đạt hiệu quả cao.

Trên thế giới, các dự báo về giá cả hàng hoá và lạm phát đều cho rằng kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; những bất ổn về giá cả và thị trường này chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Hơn nữa, giá cả thường tăng mạnh hơn trong tháng có tết Nguyên đán. Như vậy, có thể thấy trước rằng, trong quý 1/2011, chỉ số CPI của Việt Nam nhiều khả năng vẫn ở mức hai con số. So cùng kỳ năm trước lạm phát chưa giảm thì lãi suất không thể giảm vì người gửi tiền khó chấp nhận lãi suất tiết kiệm thấp hơn chỉ số lạm phát.

Tác động từ trái phiếu chính phủ


Bước sang năm 2011, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 7 – 7,5% thì việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách năm 2011 khó có thể giảm. Bộ Tài chính đã xác định một trong những nhiệm vụ tài chính – ngân sách đặt ra cho năm 2011 là thực hiện phát hành trái phiếu trong nước và huy động nguồn ODA để bù đắp bội chi ngân sách và cho đầu tư phát triển. Theo kế hoạch, mức phát hành trái phiếu chính phủ năm 2011 là 45.000 tỉ đồng. Nếu không có mức lãi suất hấp dẫn xấp xỉ lãi suất ngân hàng, thì Chính phủ khó có thể bán được trái phiếu trong bối cảnh nhiều người mua trước đây là các ngân hàng thương mại hiện vẫn đang còn lo bài toán thanh khoản. Chính vì vậy, lãi suất trái phiếu là một ẩn số khó lường đối với việc hạ lãi suất tiền gửi/tiền vay bởi nó tuỳ thuộc vào Chính phủ có vay được nước ngoài hay chủ yếu vay trong nước, cần vay nhiều hay ít... trong mỗi đợt phát hành trái phiếu để đưa ra mức lãi suất.

Lãi suất ngân hàng vẫn phải “giữ chân” vốn ngắn hạn

Huy động vốn kỳ hạn ngắn trong nhiều ngân hàng chiếm tỷ trọng khoảng trên 70% trong tổng nguồn vốn huy động, trong khi cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khoảng trên 40% tổng dư nợ cho vay. Nguồn vốn huy động thiếu ổn định, chủ yếu là kỳ hạn ngắn, dễ dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác mỗi khi có sự biến động trong lãi suất huy động, khiến cho những ngân hàng thương mại đảm bảo thanh khoản vẫn không dám hạ lãi suất. Áp lực của nguồn tiền gửi ngắn hạn lên lãi suất huy động là rất nặng nề nếu những bất ổn kinh tế vĩ mô không được giải quyết.

Bên cạnh đó, năm 2011 được dự báo việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán không phải dễ dàng với rất nhiều doanh nghiệp, cho nên nguồn vốn bổ sung cho nhu cầu kinh doanh lại càng đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại; quan hệ cung – cầu vốn trên thị trường như thế khó khiến cho thị trường xác lập mặt bằng lãi suất giảm trong ngắn hạn như mong đợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến