Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

'2011 sẽ là một năm thịnh vượng cho thị trường chứng khoán'

Năm cũ đã qua đi, năm mới lại đến, trong không khí xuân rộn ràng đó, dưới đây là cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTCK SJC - cùng nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2010 cũng như kỳ vọng vào thị trường trong năm 2011.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán trong năm 2010 vừa qua?

Nhìn lại năm 2010, tôi cho rằng có một số vấn đề nổi cộm đáng quan tâm như sau:


Trước hết là lãi suất, Chính phủ muốn kích thích nền kinh tế nên muốn duy trì lãi suất huy động ở mức 9%/năm. Nhưng thực tế trong khoảng thời gian gần cuối tháng 11/2010, lãi suất huy động đã lên đến 18%/năm. Dù sau đó chỉ một ngày, các ngân hàng đã đồng thuận chính sách lãi suất ở mức 15%/năm. Nhưng tỷ lệ cho vay hiện nay của chúng ta ở mức 19% - 21%/năm vẫn rất cao đối với khả năng của doanh nghiệp.


Bên cạnh đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dù Chính phủ đưa ra chỉ tiêu lạm phát năm nay ở mức 7%, nhưng chỉ tính đến thời điểm kết thúc 11 tháng, chỉ số lạm phát đã đạt gần 10%, vượt xa mong muốn của Chính phủ.


Song song đó, tỷ giá cũng là một vấn đề quan trọng. Năm 2010, Chính phủ đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh tỷ giá. Chính những đợt điều chỉnh tỷ giá này đã ảnh hưởng đến tình hình lạm phát, hạn chế dòng tiền từ nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán trong năm qua.


Về cán cân thanh toán, có thể nói tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức rất cao trong những năm vừa qua, khoảng 23 tỷ USD. Nhưng do mức độ thâm hụt cán cân thanh toán trong nhiều năm liên tục đã hạn chế khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến tỷ giá USD/VND trong những tháng cuối năm tăng đột biến.


Đó là những vấn đề nổi cộm trong chính sách vĩ mô. Về chính sách vi mô, tôi muốn đề cập đến chính sách phát hành của các tổ chức niêm yết. Năm 2010 có thể xem là một năm phát hành mạnh của các tổ chức niêm yết, điều này làm cán cân cung cầu trên thị trường chứng khoán bị chênh lệch, từ đó làm cho dòng tiền vào thị trường bị hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách phát hành và chia cổ phiếu thưởng của các doanh nghiệp niêm yết cũng góp phần pha loãng thị trường chứng khoán.  


Ngoài ra, vấn đề chính sách từ phía Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cũng rất đáng quan tâm. Mặc dù các công cụ phái sinh được đông đảo nhà đầu tư quan tâm nhưng đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn chưa được phép mở nhiều tài khoản, hay giao dịch T+2, giao dịch ký quỹ...


Trong năm qua, chúng ta cũng thấy áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán (CTCK) rất cao. Từ đó đã nảy sinh một số CTCK cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ như việc cho khách hàng mượn cổ phiếu để bán trước khi chứng khoán về tài khoản… Năm 2010 cũng xuất hiện cụm từ “đội lái” với những hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm trục lợi. Dù UBCKNN đã áp dụng nhiều biện pháp, tăng hình thức phạt đối với các “đội lái”. Điển hình là việc bắt tạm giam đối với tổ chức đã thực hiện việc làm giá cổ phiếu DHT.      


Nhìn lại TTCKVN năm 2010, theo ông, nhóm ngành nào tăng trưởng mạnh nhất và ngược lại?


Tôi nghĩ ngành ít chịu ảnh hưởng nhất là cao su. Có thể nói trong năm 2010, giá cao su tăng rất cao trên thị trường thế giới do nguồn cung hạn chế. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đều đạt và vượt kế hoạch trong 10 tháng đầu năm. Thứ hai, ngành có ưu thế độc quyền là than. Hầu như tất cả các doanh nghiệp của ngành này đều có lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch năm, P/E cũng được xếp vào mức thấp nhất trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, đường cũng là một ngành được hưởng lợi từ chính sách tăng giá của thế giới. Lợi nhuận của các doanh nghiệp này hầu như đã đạt được mức kỳ vọng.


Riêng tôi rất quan tâm đến ngành bất động sản bởi đây là chiếm tỷ trọng cao trên thị trường chứng khoán. Mặc dù trong năm qua, ngành bất động sản chịu nhiều áp lực từ chính sách tiền tệ làm hạn chế dòng tiền đầu cơ vào thị trường bất động sản. Nhưng tiềm năng của ngành này rất lớn. Bởi việc tìm một nơi ăn chốn ở luôn là một nhu cầu thiết yếu trong dân cư.  


Những ngành chịu áp lực nhất, tôi cho rằng đó là các công ty chứng khoán. Sau khi NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như ban hành Thông tư 13 đã gây nhiều áp lực lên thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch giảm phân nửa so với năm 2009 khiến đa số CTCK không đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Bên cạnh đó, ngành vận tải cũng là một ngành chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đa số các doanh nghiệp ngành vận tải gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận để đạt được kết quả mà đại hội cổ đông đã đề ra.


Tôi nghĩ trên đây là những ngành bị ảnh hưởng chính. Ngoài ra, ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực từ các chính sách tiền tệ, trong đó, việc yêu cầu các ngân hàng nhỏ, có qui mô vốn dưới 3.000 tỷ đồng phải tăng vốn trước 31/12 trở thành một áp lực đè nặng lên vai các cổ đông, lên thị trường.       


Trong năm 2010, kinh tế Việt Nam không những phải gánh chịu tác động từ chính sách vĩ mô mà còn bị tác động gián tiếp từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Ông có thể cho biết tác động này đến thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp niêm yết ra sao?


Theo tôi, việc khủng hoảng nền kinh tế thế giới, đặc biệt là châu Âu đã gây hai ảnh hưởng chính đến thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp.


Thứ nhất, khủng hoảng đã hạn chế dòng tiền chuyển vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là FDI. Cụ thể năm 2010, hầu như tất cả các quỹ đầu tư nước ngoài đều không có kế hoạch huy động vốn. Trong năm qua, dòng vốn từ khối này cũng khá khiêm tốn, ước khoảng 1 tỷ USD.


Bên cạnh đó, khủng hoảng đã làm hạn chế khả năng chi tiêu tại châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty và doanh nghiệp niêm yết có xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Và cũng vì khủng hoảng, các nước khu vực châu Âu đã đưa ra các rào cản thương mại lớn (hay còn gọi là chính sách bảo hộ), điều này khiến các doanh nghiệp của chúng ta gặp khó trong việc đưa sản phẩm tiêu thụ vào thị trường này.


Triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2011?


Năm 2010 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, tôi tin rằng những khó khăn đó Chính phủ cũng nhìn thấy, và sẽ tìm ra giải pháp thích hợp. Do vậy, quý I/2011 sẽ là một quý khó khăn đối với các doanh nghiệp niêm yết. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đỉnh của lạm phát là đáy của thị trường chứng khoán. Nhất là trong năm 2010, tất cả các thị trường chứng khoán thế giới đều tăng trưởng ước đạt 30% thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại giảm tương ứng 30%. Do vậy, giá cổ phiếu thị trường chứng khoán Việt Nam là thấp nhất so với các nước trong khu vực, đây là lợi thế giúp Việt Nam thu hút dòng vốn từ nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các thị trường phát triển như Mỹ hay các thị trường châu Á lân cận.


Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng năm 2011 sẽ được đưa vào áp dụng các công cụ phái sinh như giao dịch T+2, giao dịch ký quỹ hay cho nhà đầu tư mở nhiều tài khoản. Nếu được thì đây sẽ là một yếu tố giúp cải thiện thanh khoản của thị trường, thu hút nhiều dòng tiền hơn.


Chỉ tiêu năm 2011 Chính phủ đưa ra đều tăng trưởng hơn năm 2010, cụ thể là GDP năm 2010 ước đạt 6,7%, nhưng năm 2011 kế hoạch đưa ra là 7,2%, CPI kiểm soát ở mức 7%. đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.


Hiện tại, NHNN đã và đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tôi cho rằng việc này sẽ không kéo dài lâu, vì sẽ tổn hại đến nền kinh tế. Theo tôi, có khả năng hết quý I/2011 hoặc giữa quý II/2011, NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.     


Năm cũ đã qua, với tư cách là một trong những nhà tạo lập thị trường, ông kỳ vọng gì trong năm mới?


Như chúng ta đã biết năm 2010 là một năm đầy khó khăn cho nhà đầu tư và các CTCK, đặc biệt là giá trị giao dịch ở mức rất thấp nên hầu như tất cả các CTCK đều tham gia thị trường với góc độ thận trọng. Tôi kỳ vọng sang năm 2011, các chính sách tiền tệ sẽ được tháo gỡ sớm và giá trị giao dịch tăng lên, mức độ tham gia của các nhà tạo lập thị trường sẽ năng nổ hơn và quyết liệt hơn trong năm 2011. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến