Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu châu Á

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu châu ÁNăm 2011 sẽ đánh dấu mốc quan trọng của châu Á: Mô hình phát triển theo định hướng xuất khẩu mang đến tương lai tăng trưởng bằng nội lực cho khu vực này.


Câu chuyện của một người trẻ Trung Quốc
Cô Zhou Yuanyan đang gia nhập tầng lớp những người trung lưu. Năm 18 tuổi, khi cô chuyển đến Bắc Kinh từ vùng Nội Mông, cô sống tại một ngôi làng ở đường vành đai thứ 6 của của thủ đô Bắc Kinh và hàng ngày cô mất 1,5 tiếng đi xe buýt để đi làm.
Sau khi khởi nghiệp với nghề bồi bàn, cô nhanh chóng chuyển sang môi giới kinh doanh bất động sản.
Với dáng vẻ đầy tự hào khi nói đến việc chuyển đến sống được ở khu vực vành đai thứ 4 và cuối cùng là vành đai thứ 3, cô nói: “ Tiền hoa hồng của tôi tăng dần trong suốt 3 năm qua và vì thế tôi có thể chuyển nhà được 2 lần và vào gần trung tâm hơn.”
Hiện nay, ở tuổi 22, cô Zhou sống với mẹ trong một căn hộ nhỏ cách trung tâm thành phố khoảng 40 phút lái xe. Cô kiếm được từ 3.000 đến 6.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 455 đến 910USD), tùy thuộc vào hoa hồng nhận được từng tháng. Với mức lương này, cô được xếp hàng tầng lớp trung lưu, theo định nghĩa của Boston Consulting Group.
Mẹ cô làm nghề quét dọn và kiếm được 1.500 nhân dân tệ/tháng. Họ dành 2.000 nhân dân tệ để thuê nhà và tiết kiệm 1.800 nhân dân tệ/tháng.
Cô Zhou cảm thấy cũng nên tự thưởng cho bản thân. Cô dùng điện thoại LePhone, một chiếc điện thoại thông minh do Lenovo sản xuất, cô dành phần lớn thời gian để chat, chơi trò chơi điện tử và mua hàng trực tuyến – thói quen phổ biến của nhóm nước thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi ở châu Á.
Cô mơ ước mua được một căn hộ thế nhưng không bao giờ dám ảo tưởng về việc mua được những căn hộ như cô vẫn môi giới bán ở Bắc Kinh – nơi giá đất hiện đã đắt ngang với New York: “Tôi sẽ phải tiết kiệm 1 năm chỉ để mua được 1 mét vuông trong 1 căn hộ giá như vậy.”
Dù vậy, câu chuyện mà người trẻ như cô cũng như hàng chục triệu người trẻ khác có thể kể khiến người ta tin hơn vào giấc mơ của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Mãi cho tới gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn hoài nghi về việc Trung Quốc, hay bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác tại châu Á có thể giúp một lượng lớn người từ đói nghèo lên tầng lớp cao hơn. Sự hoài nghi đó nay đã thiếu cơ sở.
Năm 2011 sẽ có thể trở thành năm mà người ta nói đến mô hình phát triển theo định hướng xuất khẩu của châu Á mang đến tương lai rằng tăng trưởng khu vực sẽ bắt nguồn từ nội lực của chính châu Á.
Thực tế đó giúp giải quyết yếu tố mất cân bằng bắt nguồn từ mô hình định hướng xuất khẩu của châu Á bao lâu nay vốn ở tâm điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tầng lớp trung lưu châu Á đang phát triển, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 trên thế giới và tại Việt Nam, đất nước 85 triệu dân với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và phát triển khá giống mô hình của Trung Quốc.
Thậm chí tại nhóm nền kinh tế kém thành công hơn như Philippin với dân số lên tới 95 triệu người, thành quả nhiều năm tăng trưởng đang tạo ra của cải cho rất nhiều người.
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu châu Á vốn đã tồn tại ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông tạo ra nhiều tác động dài hạn.
Khi tăng trưởng tại châu Âu và nhiều khả năng cả Mỹ sẽ ở mức thấp trong nhiều năm tới, các doanh nghiệp, từ thực phẩm cho đến bảo hiểm đang cố gắng tìm người tiêu dùng mới sẵn sàng chi tiêu. Họ tìm được ở châu Á cái họ cần.

Năm 2006, chuyên gia Arthur Kroeber của tổ chức tư vấn kinh tế Dragonomics công bố một báo cáo “dội gáo nước lạnh” vào câu chuyện thần tiên về tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Ông ước tính rằng chỉ khoảng 20% hộ gia đình tại các đô thị Trung Quốc tương đương khoảng 110 triệu/1,3 tỷ người Trung Quốc có khả năng mua sắm mạnh tay.
Nhóm người trên, theo chuyên gia Kroeber, được coi như thuộc nhóm còn tồn tại ở Trung Quốc ở bên ngoài những khu vực giàu có như Thượng Hải, Bắc Kinh và khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu.
Thế nhưng chính chuyên gia Kroeber cũng đã phải thay đổi ý kiến. Phần lớn người Trung Quốc đã đạt đến ngường thu nhập mà từ đó tiêu dùng sẽ tăng mạnh.
Ông còn khẳng định thu nhập thực tế của người Trung Quốc, dù tính bằng tiền mặt hay không thể tính đến, cao hơn nhiều so với con số thông kê chính thức.
Hiện nay, Dragonomics ước tính khoảng 300 triệu người Trung Quốc tương đương khoảng 23% dân số có sức chi tiêu mạnh tay và sống tại các thành phố đủ lớn để nhóm công ty lớn tiếp cận được.
Nếu nhóm 300 triệu người Trung Quốc này tồn tại trong một lãnh thổ riêng, nền kinh tế của nước đó sẽ tương đương 2/3 kinh tế Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Công ty tư vấn McKinsey đưa ra dự báo tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ mức 29% trong 190 triệu hộ gia đình thành thị lên mức 75% trong 372 triệu hộ gia đình thành thị Trung Quốc vào năm 2025.
Chuyên gia Max Magni thuộc McKinsey chỉ ra nhóm người trong tầng lớp trung lưu đang sống tại những tòa nhà với nhiều căn hộ, vì thế họ quan tâm nhiều hơn đến việc người khác nghĩ gì về họ và chi tiêu theo đó. Nhóm người trong mức thấp của tầng lớp trung lưu cũng đã chi tiêu nhiều hơn ngoài những nhu yếu phẩm cần thiết.

Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu châu Á tất nhiên không chỉ diễn ra tại Trung Quốc. Ông Ireena Vittal, chuyên gia về thị trường bán lẻ hiện đang làm việc tại McKinsey, cho rằng 1,2 tỷ người Ấn Độ có thể được chia thành khoảng 250 triệu gia đình.
Trong đó, 100 triệu sống trong nghèo đói và hưởng rất ít cơ hội vươn lên tầng lớp trung lưu.
2 triệu hộ hưởng tiêu chuẩn cuộc sống tốt tương đương như người Mỹ và châu Âu.
Hiện khoảng từ 14 đến 15 triệu hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 7 nghìn đến 10 nghìn USD/năm. Sau 5 năm nữa, sẽ có 40 triệu hộ gia đình tại Ấn Độ tương đương 200 triệu người được hưởng mức thu nhập trên.
Ấn Độ hiện nay giống như Trung Quốc năm 2001, sau 2 thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, sự phân phối thu nhập đang hợp lý hơn.

Câu chuyện tại Việt Nam
9/10 người mua hàng Việt Nam thường mua hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống, không giống tại Thái Lan, 4/5 dân số đến các siêu thị để tiêu dùng.
Thế nhưng, phó giám đốc siêu thị BigC tại Việt Nam cho rằng thói quen của người tiêu dùng Việt Nam sẽ sớm thay đổi.
Khi thu nhập khả dụng của người Việt Nam tăng gấp đôi trong 5 năm qua, các siêu thị của BigC tại nhóm thành phố cấp 2 như Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai đã liên tục được mở mới.
Năm 2009, doanh số bán lẻ tại Việt Nam lên tới gần 40 tỷ USD, gấp đôi con số trước đó 5 năm dù tiêu dùng bình quân đầu người vẫn thấp so với chuẩn chung của châu Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến