Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2011 được dự báo sẽ cao hơn năm 2010 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Với gần 4 triệu Việt kiều sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất thế giới. Kiều hối đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai và là nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Đồng thời, kiều hối giúp Việt Nam hạn chế rủi ro huy động vốn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Vì vậy, việc khơi thông dòng kiều hối có một ý nghĩa quan trọng trong chính sách tiền tệ và dịch vụ ngân hàng hiện nay.Vượt kỳ vọng
So với sự sụt giảm của năm 2009, doanh số kiều hối năm 2010 đã vượt kỳ vọng của các công ty chuyên chi trả. Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á, cho biết, kết thúc năm 2010, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty đạt hơn 1,2 tỉ USD, cao hơn 200 triệu USD so với kế hoạch đặt ra cho cả năm và tăng 20% so với năm 2009.
Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR) cũng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2010, doanh số chi trả kiều hối của Công ty đã đạt gần sát với chỉ tiêu cả năm. Theo kế hoạch, Sacombank-SBR dự kiến đạt doanh số 1 tỉ USD trong năm 2010 so với mức thực hiện của năm 2009 là 900 triệu USD. Tương tự, tại Vietcombank, kiều hối chuyển về qua Ngân hàng đến cuối tháng 11.2010 ước đạt 1,1 tỉ USD, dự kiến vượt 1,2 tỉ USD vào cuối năm.
Theo thống kê của Vụ Quản lý Ngoại hối, thuộc Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam trong tháng 12.2010 ước đạt khoảng 770 triệu USD, nâng lượng kiều hối cả năm lên mức trên 8 tỉ USD, tăng 25,6% so với 2009. Lượng kiều hối được dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong tháng trước khi Tết Nguyên đán diễn ra.
Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á cho biết, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2010 chủ yếu đến từ các thị trường truyền thống Mỹ, Canada và một số thị trường có nhiều lao động xuất khẩu của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Sở dĩ lượng kiều hối tăng mạnh trong năm 2010, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, là do kinh tế thế giới đã bước đầu hồi phục, nên lượng kiều hối chuyển về cũng nhiều hơn.
Ngoài ra, lãi suất huy động bằng ngoại tệ được áp dụng tại các ngân hàng Việt Nam (5,4%/năm) cao hơn gấp nhiều lần so với lãi suất cơ bản USD của Mỹ (0,25%), nên không loại trừ việc kiều bào chuyển tiền về gửi tiết kiệm thông qua người thân trong nước. Một yếu tố quan trọng khác chính là sự phát triển mạnh về mạng lưới và nâng cao chất lượng phục vụ của các ngân hàng, tổ chức kinh tế, qua đó làm cho dịch vụ chi trả kiều hối tốt hơn.
Ông Minh cho biết, từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 8.2010, kiều hối chuyển về Việt Nam được bán cho các ngân hàng khá nhiều do tỉ giá lúc đó ổn định. Sang tháng 9.2010, vì tỉ giá trên thị trường tự do cao hơn tỉ giá niêm yết, nên các ngân hàng cũng khó giữ kiều hối ở lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét