Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Mục tiêu và "ẩn số" xuất khẩu 2011

Ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công Thương trao đổi với Pháp Luật Việt Nam về tình hình xuất khẩu năm qua và những kế hoạch năm nay.
- Thưa ông, một số ý kiến đã nói về sự "chuyển mình mạnh mẽ“ trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, liệu chúng ta đã có thể lạc quan về điều này?

- Đúng vậy, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến so với 2009 tăng mạnh từ 63,4% lên 68,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên liệu khoáng sản giảm từ 15,2% xuống 11,1%; nhóm hàng nông sản , thủy sản giảm từ 21,5% xuống 20,8%.
Trong đó, phải kể đến, xuất khẩu của khu vực FDI đã có sự tăng trưởng mạnh, tăng 26% (nếu không tính dầu thô tăng 40%). Khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên.

Ông Nguyễn Thành Biên.

- Vậy cần có một cách nhìn như thế nào về tình hình nhập siêu 5 năm qua?


- Nhập khẩu năm 2010 đã phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong số 11 mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu chủ yếu (chiếm hơn 83% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng) thì kim ngạch của 5 mặt hàng tăng khá cao.
Cụ thể, sữa và sản phẩm từ sữa tăng 59,5%; rau và một số loại củ, quả tăng 44,9%; dầu mỡ động thực vật tăng 29,6%; đường và các loại kẹo đường tăng 105,8%; máy móc, thiết bị điện sử dụng trong gia đình tăng 23,9%. Có thể thấy nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng là do nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng cần thiết (không phải hàng xa xỉ, cao cấp) tăng mạnh, như đường, sữa, dầu ăn.
Những mặt hàng này trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và cả về chất lượng. Nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, cao cấp đã có xu hướng giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2009, như nhập khẩu đồ uống, rượu giảm 34,7%, ô tô nguyên chiếc dưới 10 chỗ giảm 7,4%; điện thoại di động tăng nhẹ 2,8% và nước hoa và mỹ phẩm tăng 14,8%...
- Ông dự báo như thế nào về  tình hình xuất khẩu của nước ta trong năm nay?
- Theo tôi, đón năm 2011, hoạt động xuất nhập khẩu có những thuận lợi, như sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là của các thị trường xuất khẩu truyền thống, đang tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu đã và đang phát huy tác dụng. Nhờ đó, nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, cũng có thể nhìn thấy trước những khó khăn, như cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới; bảo hộ thương mại ngày càng nhiều và tinh vi...
- Như thế, thuận lợi “5 lạng” còn khó khăn “nửa cân”, Bộ Công Thương sẽ giải bài toán này như thế nào trong năm tới?
- Để góp phần tăng trưởng GDP của cả nước năm 2011 đạt 7-7,5%, Bộ Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 10% so với năm 2010 và tỷ lệ nhập siêu hàng hoá năm 2011 không vượt quá 18% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu này, phải triển khai quyết liệt những giải pháp cơ bản sau: tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường tiềm năng, thị trường có nhu cầu hàng hóa phù hợp với hàng hóa do Việt Nam sản xuất; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường có hiệp định mậu dịch tư do đồng thời phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á - Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh; tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA), nhất là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc; đặc biệt, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao...
Và, phần công việc không kém phần khó khăn, đó là phải đảm bảo ổn định nhập khẩu, trong đó kiểm soát chặt việc nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
- Xin cảm ơn ông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến